Chính phủ Nhật Bản phải quyết định sẽ làm gì với số đất này - đủ để lấp đầy 10 sân vận động bóng chày, được lấy từ khu vực Fukushima như một phần của nỗ lực loại bỏ bức xạ có hại.
Đây là nhiệm vụ lớn nhất trong việc ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi - nơi đã bị tan chảy sau khi bị sóng thần tấn công trong thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ vụ nổ Chernobyl.
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi sẽ đến nhà máy trong ngày 18/2. Ông sẽ được xem một số mẫu đất trong số 13 triệu m³ đất và 300.000 m³ tro từ vật liệu hữu cơ đã đốt. Để so sánh, sức chứa của đấu trường Tokyo Dome - nơi siêu sao nhạc pop Taylor Swift đã biểu diễn vào năm 2024 - là 1,24 triệu m³.
Nhật Bản có kế hoạch tái chế khoảng 75% số đất đã loại bỏ - phần được phát hiện có mức độ phóng xạ thấp. Nếu được xác nhận là an toàn, chính quyền ở Tokyo muốn sử dụng số đất này để xây dựng đường bộ và đường sắt cùng nhiều dự án khác. Phần đất còn lại sẽ được xử lý bên ngoài khu vực Fukushima trước thời hạn là năm 2045.
Chuyên gia TEPCO tại bệ lò phản ứng số 5 trong chuyến thăm nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ngày 13/2 (Ảnh: AFP)
Chính quyền trung ương Nhật Bản cho biết họ có ý định xác nhận địa điểm xử lý đất trong năm nay. Thống đốc khu vực Fukushima được cho là đã thúc giục chính quyền Nhật Bản nhanh chóng đưa ra một kế hoạch.
Vào tháng 9, IAEA đã công bố báo cáo cuối cùng về việc tái chế và xử lý đất, nói rằng cách tiếp cận của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn của Liên hợp quốc.
Olivier Evrard - Giám đốc nghiên cứu tại Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp (CEA) - cho biết việc bóc lớp đất mặt là "rất hiệu quả" trong việc khử nhiễm ở các khu vực gần đường thủy.
"Tuy nhiên, nó cũng có nhiều nhược điểm. Nó rất tốn kém về mặt chi phí, tạo ra một lượng lớn chất thải và gây ra các vấn đề về khả năng sinh trưởng của cây trồng" trong ngành nông nghiệp - theo ông Olivier Evrard.
Một lựa chọn khác là chờ mức độ phóng xạ giảm tự nhiên trong khi đất được lưu trữ - ông Evrard nói thêm.
Nhà máy Fukushima đã phải hứng chịu một trận sóng thần lớn do động đất gây ra vào tháng 3/2011, khiến 18.000 người thiệt mạng.
Nhân viên TEPCO hướng dẫn du khách vào bên trong nhà máy Điện hạt nhân Fukushima, ngày 13/2 (Ảnh: AFP)
Phần nguy hiểm nhất của quá trình dọn dẹp nhà máy phức tạp - loại bỏ khoảng 880 tấn nhiên liệu phóng xạ và đống đổ nát từ ba lò phản ứng bị hư hại - mới chỉ bắt đầu, với một mẫu nhỏ được lấy ra bằng một cánh tay robot.
Trong chuyến thăm của ông Grossi, chuyên gia từ IAEA và các quốc gia - bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc - sẽ lấy mẫu nước biển và cá để tăng thêm tính minh bạch của quá trình xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển - một quan chức của Cơ quan Năng lượng Nhật Bản cho biết.
Vào tháng 8/2023, TEPCO - đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima - đã bắt đầu xả ra biển 1,3 triệu tấn nước ngầm, nước biển và nước mưa đã thu thập được, cùng với nước được sử dụng để làm mát lò phản ứng.
Việc xả nước đã được IAEA xác nhận và TEPCO cho biết tất cả các nguyên tố phóng xạ đã được lọc ra ngoại trừ tritium, và nồng độ phóng xạ của chúng nằm trong giới hạn an toàn.
Các quốc gia bao gồm Trung Quốc và Nga trước đó đã chỉ trích việc xả nước thải ra biển và cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản vì lo ngại về an toàn.
Vào tháng 9/2024, Trung Quốc cho biết nước này sẽ dần dần nối lại việc nhập khẩu hải sản Nhật Bản, nhưng trên thực tế điều này cho đến nay vẫn chưa diễn ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!