Lực lượng Tuần duyên Mỹ cho biết, có tới 1,1 triệu gallon dầu tràn ra Vịnh Mexico từ hệ thống đường ống ngoài khơi bờ biển phía đông nam của bang Louisiana. Số dầu này tương đương khoảng 26.190 thùng dầu tràn ra biển.
Theo lực lượng Tuần duyên Mỹ, dầu tràn được phát hiện gần hệ thống đường ống thuộc sở hữu của công ty Main Pass Oil có trụ sở tại Houston. Cho đến nay, chưa có lượng dầu nào lan vào đất liền của Mỹ nhưng tác động của vụ tràn dầu vẫn đang được giới chức giám chặt chẽ.
Tàu container - thủ phạm xả dầu thải trái phép ra đại dương
Sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico có thể là do yếu tố khách quan nhưng thực tế là tình trạng môi trường biển bị ô nhiễm bởi dầu tràn hoặc dầu bẩn lại xảy ra khá thường xuyên. Các tàu thuyền chính là nguyên nhân gây ô nhiễm các đại dương trên thế giới bằng việc xả nước thải chứa dầu trực tiếp ra biển trên suốt hải trình. Tình trạng này ngày càng gia tăng và được xác định là một tội phạm môi trường mà hầu như không bị phát hiện.
Các tàu chở hàng xả ra hàng tấn nước thải mỗi ngày. Loại nước ô nhiễm này được tạo ra từ phòng máy, theo đúng quy trình là chúng phải được xử lý tạm sau đó chuyển về đất liền lọc lại khi tàu cập cảng, nhưng phần lớn các tàu thuyền không tuân thủ quy định quốc tế này.
Đoạn video do kênh truyền hình DW của Đức công bố là do một thành viên thủy thủ đoàn bí mật quay lại. Đây là một máy bơm đáy tàu, các con tàu sử dụng máy bơm để bơm nước thải trái phép ra thẳng đại dương. Điều này đang gây ra một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất với hệ sinh thái biển.
Vì những con tàu được thiết kế như một cỗ máy khổng lồ với động cơ lớn hơn một chiếc xe bus để đốt cháy những dòng nhiên liệu chảy vào. Do đó, nước đáy tàu là hỗn hợp nước - dầu thải và kim loại nặng, có thể đầu độc các sinh vật biển và khiến con non chết yểu.
Từ 20 năm nay, SkyTruth - một tổ chức phi lợi nhuận đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để phát hiện các vấn đề môi trường trên toàn thế giới, đặc biệt các khu vực biển bị ô nhiễm do tàu bè gây ra.
Ông John Amos - Chủ tịch, người sáng lập tổ chức SkyTruth: "Chúng ta có thể thấy những vệt đen trên mặt nước nhìn không tự nhiên, có những dấu vết đuôi tàu ở cuối vệt loang".
Cảnh sát biển các quốc gia thường chỉ có thể kiểm tra khi tàu cập cảng, trong khi sai phạm thường xảy ra khi tàu trên hải phận quốc tế.
Bà Anna-carina Zirpins - Cảnh sát cảng Hamburg, Đức: "Chúng tôi cố gắng giám sát các con tàu để phát hiện sai phạm, nhưng thú thực không bao giờ có thể đảm bảo 100% các tàu đều tuân thủ".
Skytruth cho biết, họ đang nghiên cứu thế hệ vệ tinh rada mới đa tần đa cực, có thể phân biệt loại chất thải nào được xả ra biển cũng như đo được độ dày của vết dầu loang. Công nghệ này có thể cung cấp đủ bằng chúng để buộc tội những tổ chức và cá nhân vi phạm trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!