Thỏa thuận này là một phần của chiến dịch trấn áp tội phạm xuyên quốc gia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan ngày 28/2 cho biết, khoảng 5.000 công dân Trung Quốc sẽ được đưa về nước, trung bình 1.000 người mỗi tuần, bắt đầu từ tuần tới.
Trong nhiều năm qua, các tổ chức tội phạm lừa đảo trực tuyến đã lợi dụng tình trạng quản lý lỏng lẻo ở khu vực biên giới Myanmar để dụ dỗ lao động nước ngoài bằng những lời hứa hẹn công việc lương cao. Tuy nhiên, khi đến nơi, các nạn nhân bị giam giữ và buộc tham gia các hoạt động lừa đảo trên mạng.
Các công dân nước ngoài được giải cứu tại một địa điểm thực hiện những hoạt động lừa đảo ở biên giới Thái Lan - Myanmar vào cuối tháng 2 (Ảnh: Kyodo)
Myanmar đã triển khai chiến dịch trấn áp, giải cứu khoảng 7.000 người nước ngoài bị lừa lao động.
Tuần trước, khoảng 600 công dân Trung Quốc đã được đưa về từ Myanmar qua Thái Lan. Nhiều nạn nhân cho biết họ bị buôn bán hoặc bị lừa làm việc tại các trung tâm lừa đảo và phải chịu cảnh đánh đập, ngược đãi.
Ngày 28/2, nhiều người Indonesia được đưa ra khỏi các trung tâm lừa đảo tại Myanmar đã về đến quê hương, sau khi được hồi hương qua Thái Lan. Tổng cộng có 84 công dân Indonesia đã được đưa về trên 3 chuyến bay.
Một địa điểm nhốt các nạn nhân lừa đảo tại Myanmar.
Được hứa hẹn có công việc lương cao nhưng thực chất bị ép tham gia vào hoạt động lừa đảo trực tuyến, chủ yếu tại khu vực biên giới Myanmar - Thái Lan, những người này thường phải làm việc 16 tiếng/ 1 ngày và có người bị bạo lực về thể xác.
Chính phủ Indonesia cho biết họ sẽ điều tra vụ việc và kêu gọi người dân không nên mắc bẫy những lời đề nghị hấp dẫn, dẫn đến hoạt động lừa đảo này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!