Hóa thạch 113 triệu năm tuổi của một con kiến 'địa ngục'. (Ảnh: Anderson Lepeco)
Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Current Biology, hóa thạch được phát hiện tại Bảo tàng Động vật học thuộc Đại học São Paulo, Brazil. Mẫu vật được nhà nghiên cứu Anderson Lepeco tình cờ phát hiện vào tháng 9/2024 khi ông đang kiểm tra một bộ sưu tập hóa thạch của bảo tàng.
Loài kiến tiền sử này, có tên khoa học Vulcanidris cratensis, sống vào thời kỳ khủng long và thuộc nhóm "kiến địa ngục" (hell ant) - một nhánh đã tuyệt chủng, không liên quan đến bất kỳ loài kiến hiện đại nào. Điểm đặc biệt của loài này là bộ hàm dài và cong như lưỡi hái, giúp chúng có thể ghim hoặc đâm xuyên con mồi.
Hóa thạch được bảo tồn trong đá vôi tại khu vực Crato Formation, miền đông bắc Brazil - nơi nổi tiếng với điều kiện bảo tồn hóa thạch lý tưởng. Trước đó, các hóa thạch kiến địa ngục từng được phát hiện trong hổ phách ở Pháp và Myanmar, nhưng đều có niên đại khoảng 99 triệu năm. Phát hiện mới này đã lùi mốc thời gian tồn tại của loài kiến này xuống sớm hơn 10 triệu năm.
Đây là lần đầu tiên một hóa thạch kiến địa ngục được tìm thấy trong đá thay vì hổ phách. Điều này không chỉ mở rộng hiểu biết về sự phân bố sớm của loài kiến trên Trái Đất, mà còn cung cấp manh mối quan trọng về quá trình tiến hóa của kiến trong kỷ Phấn trắng - giai đoạn mà nhiều đặc điểm sinh học của chúng không còn tồn tại đến ngày nay.
Các nhà khoc học đã sử dụng phương pháp chụp CT để hình dung hình dạng loài kiến 'địa ngục'. (Ảnh: Odair M. Meira)
"Chúng tôi rất bất ngờ khi phát hiện những đặc điểm giải phẫu kỳ lạ trên đầu của mẫu vật này. Hàm răng của nó giống như một chiếc càng nâng, có thể dùng để xé hoặc nâng con mồi lên", ông Lepeco cho biết.
Phân tích hình ảnh 3D bằng công nghệ vi cắt lớp điện toán (micro-CT) cho thấy loài kiến này có nhiều điểm tương đồng với các loài kiến địa ngục trước đây được tìm thấy trong hổ phách Myanmar.
Ngoài ra, cánh của Vulcanidris cratensis có nhiều tĩnh mạch hơn so với kiến hiện đại, cho thấy mối quan hệ tiến hóa với ong và ong bắp cày - các họ hàng gần của kiến cổ đại.
Ông Phil Barden, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ New Jersey (Mỹ), nhận định đây là một khám phá "rất đáng chú ý", bởi nó mở rộng lịch sử hóa thạch của kiến lên thêm một thập kỷ triệu năm. "Trước đây, giới khoa học không rõ liệu kiến có tồn tại trước 100 triệu năm hay không, hay đơn giản là chúng chưa được tìm thấy. Giờ thì chúng ta đã có câu trả lời", ông Barden cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!