Giải mã thành công nguồn gốc hai xác ướp 7.000 năm tuổi ở sa mạc Sahara

Mạnh Dương (Theo CNN)-Thứ tư, ngày 09/04/2025 09:06 GMT+7

Nơi trú ẩn đá Takarkori, một địa điểm khảo cổ ở dãy núi Tadrart Acacus của Libya, cung cấp bằng chứng về quá khứ xanh tươi của Sa mạc Sahara. (Ảnh: Đại học Sapienza của Rome)

bangdatally.xyz - Các nhà khoa học đã giải mã thành công bộ gene từ hai xác ướp phụ nữ chôn cất tại nơi từng là vùng đồng cỏ xanh tươi giữa sa mạc Sahara ngày nay.

Các nhà khoa học đã lần đầu tiên giải mã thành công bộ gene toàn phần từ hai xác ướp phụ nữ được chôn cất cách đây 7.000 năm tại nơi từng là vùng đất xanh tươi của sa mạc Sahara, mở ra nhiều hiểu biết mới về nguồn gốc của cộng đồng cư dân cổ đại ở khu vực này.

Takarkori, một nơi trú ẩn bằng đá ở tây nam Libya, hiện chỉ còn lại cát và đá khô cằn. Nhưng trong quá khứ xa xưa, đây từng là vùng đồng cỏ xanh tươi với sông, hồ và các loài động vật lớn như hà mã, voi. Tại đây, giới khảo cổ đã phát hiện 15 bộ hài cốt, trong đó có hai người phụ nữ được chôn cất trong tình trạng bảo quản tốt, vẫn còn mô mềm và da.

Giải mã thành công nguồn gốc hai xác ướp 7.000 năm tuổi ở sa mạc Sahara - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đã lấy mẫu từ hài cốt ướp xác của hai người phụ nữ 7.000 năm tuổi, bao gồm bộ xương được tìm thấy tại nơi trú ẩn đá Takarkori. (Ảnh: Đại học Sapienza của Rome)

Nhóm nghiên cứu quốc tế do ông Savino di Lernia (Đại học Sapienza, Rome) dẫn đầu đã lựa chọn hai bộ hài cốt để giải mã ADN, nhờ công nghệ tiên tiến tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck (Đức). Đây là lần đầu tiên giới khoa học giải mã thành công toàn bộ bộ gene người từ một môi trường khô nóng như Sahara – nơi vốn không lý tưởng để bảo tồn vật chất di truyền.

Kết quả cho thấy hai người phụ nữ thuộc về một nhóm người cổ đại mang dòng gene hoàn toàn mới tại Bắc Phi. Họ là hậu duệ của cộng đồng từng sinh sống biệt lập tại Sahara trong hàng chục nghìn năm, từ thời kỳ Pleistocen, trước cả kỷ nguyên hiện tại (Holocen).

Các nhà khoa học cho rằng, dù sống cô lập về mặt di truyền, cộng đồng này vẫn có sự giao lưu văn hóa rộng rãi. Bằng chứng khảo cổ cho thấy họ tiếp xúc với các nhóm khác từ vùng hạ Sahara và thung lũng sông Nile, thông qua các vật phẩm như gốm sứ. Điều này dẫn đến giả thuyết rằng nghề chăn nuôi không phải do làn sóng di cư mang đến, mà được tiếp nhận thông qua trao đổi văn hóa.

Giải mã thành công nguồn gốc hai xác ướp 7.000 năm tuổi ở sa mạc Sahara - Ảnh 2.

Nơi trú ẩn đá Takarkori là một trong số nhiều địa điểm khảo cổ xung quanh Sahara. (Ảnh: Đại học Sapienza của Rome)

Bà Louise Humphrey, chuyên gia tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, cho rằng nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ cách các cộng đồng cổ đại thích nghi và phát triển trong môi trường khắc nghiệt. Trong khi đó, giáo sư Christopher Stojanowski (Đại học bang Arizona) đánh giá cao việc không có dấu hiệu cận huyết trong cộng đồng Takarkori – cho thấy vẫn tồn tại sự kết nối và dịch chuyển dân cư ở mức độ nhất định.

Việc giải mã ADN cổ tại một trong những nơi khắc nghiệt nhất hành tinh đánh dấu một bước tiến mới trong ngành khảo cổ học di truyền, mở ra triển vọng hiểu rõ hơn về lịch sử di cư và sự hình thành các nền văn hóa tại châu Phi thời tiền sử.

Phát hiện khảo cổ ấn tượng thời La Mã cổ đại cách đây hơn 2.000 năm Phát hiện khảo cổ ấn tượng thời La Mã cổ đại cách đây hơn 2.000 năm Ai Cập công bố loạt phát hiện khảo cổ mới Ai Cập công bố loạt phát hiện khảo cổ mới Di chỉ khảo cổ vô giá của Sudan bị những kẻ đào vàng hủy hoại Di chỉ khảo cổ vô giá của Sudan bị những kẻ đào vàng hủy hoại

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước