Báo cáo cho hay rủi ro địa chính trị - bao gồm các sự kiện bất lợi tiềm ẩn như chiến tranh, hành động khủng bố và căng thẳng giữa các quốc gia có thể phá vỡ quan hệ quốc tế và sự ổn định kinh tế - đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Chỉ số về rủi ro địa chính trị kết hợp nhiều chỉ số khác để đánh giá rủi ro và sự phân mảnh địa chính trị nói chung đã đạt mức cao nhất trong những thập kỷ gần đây.
Báo cáo cho biết thêm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm tăng nguy cơ xảy ra hậu quả không mong muốn.
Xung đột địa chính trị - đặc biệt là tình hình căng thẳng ở Trung Đông - đe dọa gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường năng lượng toàn cầu. Đồng thời, xu hướng phân mảnh thị trường và công nghệ thế giới ngày càng rõ rệt, thể hiện qua sự mở rộng của khối BRICS và các biện pháp trừng phạt của Mỹ, làm suy yếu hợp tác quốc tế và hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phần lớn thế giới đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát và đưa nền kinh tế hướng tới hạ cánh "mềm", tuy nhiên vẫn phải đối mặt với rủi ro địa chính trị gia tăng và triển vọng tăng trưởng dài hạn suy yếu hơn.
(Ảnh: Risk Management Magazine)
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 và cảnh báo về những rủi ro ngày càng lớn gồm chiến tranh và chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Dù vậy, định chế này đánh giá cao việc các ngân hàng trung ương kiềm chế được lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Trong báo cáo cập nhật hàng quý Triển vọng kinh tế thế giới (World Economci Outlook) công bố vào ngày 22/10/2024, IMF cho rằng sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ tăng 3,2% trong năm 2025, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 7/2024. Về dự báo tăng trưởng cho năm 2024, IMF giữ nguyên ở mức 3,2%.
Tuy thận trọng hơn về tăng trưởng, các nhà kinh tế của IMF lạc quan hơn về lạm phát, cho rằng tốc độ lạm phát toàn cầu sẽ giảm mạnh xuống 4,3% vào năm 2025 từ mức 5,8% trong năm 2024.
Vài năm trở lại đây, IMF đã cảnh báo rằng trong trung hạn, nền kinh tế thế giới có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ "bình bình" như hiện tại - mức tăng không đủ để mang lại cho các quốc gia nguồn lực cần thiết để giảm nghèo và chống lại biến đổi khí hậu.
"Rủi ro đang ngày càng gia tăng và sự bất ổn ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu" - nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF phát biểu trong một cuộc họp báo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!