Thủy quân lục chiến Hàn Quốc và Hoa Kỳ tham dự cuộc tập trận quân sự chung tại Pohang, Hàn Quốc, ngày 6/3/2025. (Ảnh: AP)
Sáng 10/3, Hàn Quốc và Mỹ đã khởi động cuộc tập trận quân sự chung thường niên mang tên "Lá chắn Tự do" (Freedom Shield), nhằm tăng cường khả năng tác chiến và nâng cao năng lực phòng thủ trong mọi tình huống, dự kiến kéo dài đến ngày 20/3.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, cuộc tập trận lần này bao gồm các bài tập mô phỏng trên máy tính kết hợp với 16 cuộc tập trận thực địa quy mô lớn, tăng đáng kể so với 10 cuộc tập trận năm ngoái, tập trung vào việc mô phỏng kịch bản chiến tranh toàn diện, đồng thời nâng cao khả năng phối hợp giữa quân đội hai nước.
Đây cũng là cuộc tập trận quân sự lớn đầu tiên giữa Hàn Quốc và Mỹ kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai, với sự tham gia của khoảng 19.000 binh sĩ Hàn Quốc.
Binh sỹ Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Bên cạnh đó, nhóm tác chiến tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ cũng đang hoạt động trong vùng biển gần bán đảo Triều Tiên và tham gia nhiều cuộc tập trận chung trong thời gian này.
Từ ngay khi cuộc tập trận Lá chắn Tự do 2025 bắt đầu, Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng hoạt động này sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố cuộc tập trận mùa Xuân thường niên của Washington và Seoul là hành động xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Triều Tiên, đồng thời khiến tình hình an ninh khu vực thêm căng thẳng.
Ngày 16/3, Truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA tiếp tục cảnh báo đanh thép rằng việc triển khai bất kỳ lực lượng tiếp viện của Mỹ nếu xảy ra xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên, đều sẽ bị Bình Nhưỡng "xóa sổ".
Một bài bình luận do KCNA chính thức đưa tin đã chỉ trích việc Mỹ triển khai một phi đội máy bay chiến đấu F-35B gần đây tới một căn cứ không quân ở Iwakuni, Nhật Bản, cáo buộc Washington làm gia tăng sự bất ổn về một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Máy bay chiến đấu F-35A bắn pháo sáng trong cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ tại Trường huấn luyện hỏa lực Seungjin ở Pocheon, Hàn Quốc, ngày 6/3/2025. (Ảnh: AP)
"Việc triển khai thêm lực lượng tăng cường chiến tranh tấn công để ứng phó với tình huống bất trắc trên bán đảo Triều Tiên đang từng giờ làm gia tăng tính khó lường của xung đột vũ trang và một cuộc chiến tranh hạt nhân", KCNA nhấn mạnh. "Những động thái phiêu lưu quân sự của Hoa Kỳ đã cho Triều Tiên lý do chính đáng và nhu cầu cấp thiết phải đưa ra cảnh báo cứng rắn hơn về hành động quân sự".
"Các tiền đồn của Mỹ nằm trong tầm ngắm và phạm vi tấn công liên tục của lực lượng CHDCND Triều Tiên. Bất kỳ sự tăng cường chiến tranh nào của Mỹ sẽ bị ngăn chặn và xóa sổ hoàn toàn", tuyên bố nhấn mạnh.
Vận tải cơ Il-76 được hoán cải thành máy bay cảnh báo sớm tại sân bay Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 14/3. (Ảnh: Maxar)
Trước đó, hôm 14/3, ảnh vệ tinh chụp và được chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ phân tích cho thấy một vận tải cơ hạng nặng Il-76 của Triều Tiên nằm trên đường lăn, đuôi hướng về phía đường băng, xuất hiện ở sân bay Bình Nhưỡng. Trên lưng phi cơ gắn đĩa radar hình tròn, cho thấy Triều Tiên dường như hoàn tất hoán cải phi cơ này thành máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không.
Chưa rõ đĩa radar trên máy bay Triều Tiên sử dụng công nghệ gì. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự phương Tây từng đặt nghi vấn về khả năng Triều Tiên tự phát triển máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không, bởi rất ít quốc gia có thể tự nghiên cứu và chế tạo loại khí tài này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!