Cụ thể, ngày 14/3, tại Charlevoix (Canada), các Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung, hoan nghênh nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn, đặc biệt là cuộc gặp hôm 11/3 giữa Mỹ và Ukraine tại Saudi arabia.
Đồng thời, tuyên bố chung kêu gọi Nga đáp ứng bằng một lệnh ngừng bắn công bằng. Các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga và hỗ trợ Ukraine sẽ được thảo luận nếu Nga không đồng ý ngừng bắn.
Sau nhiều tuần căng thẳng và tranh luận gay gắt, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã đạt được thỏa thuận về một tuyên bố chung, nhấn mạnh đến cuộc xung đột Ukraine và các vấn đề địa chính trị quan trọng khác. Tuy nhiên, văn bản cuối cùng vẫn cần sự phê duyệt từ các Bộ trưởng Ngoại giao trước khi hội nghị kết thúc trong ngày 14/3 (theo giờ địa phương).
Từ trái sang: Trưởng bộ phận chính sách đối ngoại EU Kaja Kallas, các Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada, Mỹ, Đức, Italy, tại Canada, ngày 14/3 (Ảnh: AP)
Hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra tại vùng núi Quebec của Canada, với sự tham gia của các Bộ trưởng Ngoại giao đến từ Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Đây là cuộc họp quan trọng đầu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7 của Canada - diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa các đồng minh với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách thương mại, an ninh và Ukraine.
Trước sức ép phải thể hiện sự thống nhất của phương Tây trong nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn Nga - Ukraine, G7 đã có những điều chỉnh đáng chú ý trong bản dự thảo tuyên bố chung. Theo đó, cam kết "bảo đảm an ninh cho Ukraine" đã được thay thế bằng "sự đảm bảo" - một cách diễn đạt mềm hơn để tránh làm phức tạp các cuộc đàm phán với Nga.
Dù vậy, G7 vẫn đưa ra cảnh báo cứng rắn đối với Nga, yêu cầu nước này đồng ý ngừng bắn trên cơ sở bình đẳng với Ukraine, nếu không Moscow sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới - bao gồm cả việc kiểm soát giá dầu.
Bên cạnh các vấn đề trên, Mỹ cũng tìm cách điều chỉnh cách diễn đạt trong tuyên bố chung để không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán của họ với Nga. Chính quyền Washington phản đối việc đưa ra một tuyên bố riêng về hệ thống vận chuyển dầu của Nga được cho là nhằm né tránh lệnh trừng phạt quốc tế. Đồng thời, Mỹ thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong bản tuyên bố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!