Pháo phòng không Gepard do Đức sản xuất tại một địa điểm ở phía Đông Odessa, Ukraine (Ảnh: Getty Images)
Chính phủ Đức mới công bố danh sách cập nhật về các hạng mục vũ khí và thiết bị quân sự mà Berlin đã chuyển đến Ukraine. Theo tuyên bố, cho đến nay, Đức đã cung cấp hoặc cam kết hỗ trợ quân sự cho những năm tới với giá trị khoảng 28 tỷ Euro, với khoảng 5,2 tỷ Euro (5,9 tỷ USD) vật tư đến từ kho dự trữ của quân đội Đức.
Ngoài ra, hơn 10.000 binh lính Ukraine đã được huấn luyện quân sự tại Đức kể từ khi xung đột Nga - Ukraine leo thang vào tháng 2/2022 - Berlin ước tính.
Gói viện trợ cho Ukraine mới nhất bao gồm một số xe bọc thép chống mìn (MRAP), đạn dược cho xe tăng Leopard 2 cũng như súng phòng không tự hành Gepard và tên lửa cho hệ thống phòng không IRIS-T SLM.
Berlin cũng cung cấp cho Kiev một số pháo tự hành Zuzana 2, đạn pháo 155 mm và 122 mm, máy bay không người lái trinh sát và tấn công, cũng như vũ khí chống tăng cầm tay và súng trường tấn công.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius dẫn đầu cuộc họp Nhóm tiếp xúc quốc phòng Ukraine tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: DPA)
Tại một cuộc họp của Nhóm tiếp xúc quốc phòng Ukraine tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã công bố kế hoạch tặng thiết bị quân sự cho Ukraine trong năm 2025. Khoản này sẽ bao gồm 4 hệ thống phòng không IRIS-T, 300 tên lửa dẫn đường, 100 radar giám sát mặt đất, 100.000 viên đạn pháo, 300 máy bay không người lái trinh sát, 25 xe chiến đấu bộ binh Marder, 15 xe tăng Leopard 1A5 và 120 hệ thống tên lửa phòng không vác vai.
Phát biểu với hãng tin ARD vào ngày 20/4, ông Friedrich Merz - người dự kiến sẽ chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng Đức vào ngày 6/5 - đã ám chỉ rằng ông có thể chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus có tầm bắn 500 km cho Ukraine.
Đáp lại phát biểu của ông Merz, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nào vào các cơ sở của Nga hoặc cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, có sự hỗ trợ của Lực lượng vũ trang Đức (Bundeswehr) đều sẽ bị coi là Berlin tham gia trực tiếp vào cuộc chiến Nga - Ukraine.
Thủ tướng Đức đương nhiệm Olaf Scholz đã nhiều lần từ chối yêu cầu của Ukraine về việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev, với lý do rằng việc này có thể dẫn đến cuộc xung đột leo thang nguy hiểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!