Cơ thể con người đã tiến hóa qua hàng triệu năm để hoạt động tối ưu trong môi trường của Trái đất, gồm trọng lực, thành phần khí quyển và mức bức xạ tương đối thấp.
Việc vượt ra ngoài ranh giới của Trái đất sẽ gây ra nhiều thay đổi sinh lí, ảnh hưởng đến sức khỏe của các phi hành gia.
Trọng lực, yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chức năng của cơ thể, là một ví dụ.
Nếu không có trọng lực, chất lỏng trong cơ thể sẽ dịch chuyển lên trên, dẫn đến sưng mặt và tăng áp lực nội sọ, có thể ảnh hưởng đến thị lực.
Không chỉ vậy, việc thiếu tải trọng cơ học lên xương và cơ liên quan đến lực kéo xuống của trọng lực còn dẫn đến mất mật độ xương và teo cơ.
Tiến sĩ Stevan Gilmore - bác sĩ chuyên trách sức khỏe cho phi hành gia - cho biết: "Khi bạn bước vào môi trường không trọng lực, cơ thể bạn bắt đầu phản ứng với điều đó và mất canxi, mất sức mạnh và mất khả năng làm việc, được gọi là khả năng hiếu khí".
Không giống như trên Trái đất, nơi bầu khí quyển và từ trường hành tinh tạo ra lá chắn bảo vệ con người khỏi bức xạ vũ trụ, các phi hành gia phải tiếp xúc với bức xạ năng lượng cao khi bay vào vũ trụ. Điều này có thể dẫn đến tổn thương ADN, tăng nguy cơ ung thư, tác động thoái hóa thần kinh, các vấn đề về tim mạch và rối loạn hệ thống miễn dịch.
Phi hành gia Suni Williams (phải) và Butch Wilmore tại Trạm Vũ trụ quốc tế, ngày 13/6/2024 (Ảnh: NASA)
Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, các sứ mệnh không gian kéo dài buộc các phi hành gia phải sống trong môi trường hạn chế và biệt lập, thiếu sự tương tác, tiếp xúc xã hội. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng về mặt tâm lý, rối loạn giấc ngủ, suy giảm hiệu suất nhận thức và rối loạn tâm trạng.
Tiến sĩ Stevan Gilmore thông tin: "Chúng tôi coi việc tập thể dục như một liều thuốc hiệu quả buộc các phi hành thực hiện để chống lại tất cả những sự biến đổi trên. Phi hành gia có thể tập thể dục bảy ngày một tuần hoặc ít nhất sáu ngày một tuần, kéo dài hai tiếng rưỡi mỗi ngày. Đây là cơ hội tuyệt vời để họ duy trì thể lực".
Duy trì thể lực để thích nghi với môi trường không trọng lực, vậy điều gì sẽ xảy ra khi họ hoàn thành nhiệm vụ trở về Trái Đất.
Theo nghiên cứu, các hệ thống trong cơ thể con người đều trở lại trạng thái ban đầu trong khoảng thời gian 45 ngày. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất đến hơn 1 năm, đôi khi có thể lâu hơn để họ có thể lấy lại toàn bộ canxi bị mất khi ở trên vũ trụ.
Vẫn còn nhiều câu hỏi về tác động của sứ mệnh không gian kéo dài đối với sức khỏe của các phi hành gia cần được giải đáp.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tích cực phát triển các biện pháp đối phó để giảm thiểu tác hại do du hành vũ trụ gây ra với sức khỏe con người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!