Hình mô phỏng hệ thống thiết bị lá chắn tên lửa của Hàn Quốc. (Ảnh: eurasiantimes)
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa đất đối không tầm xa được hoàn thiện để đánh chặn tên lửa đạn đạo hoặc máy bay đang bay tới ở độ cao hơn 40km trong giai đoạn cuối khi hạ cánh. Đây là một thành tựu sẽ giúp tăng cường năng lực phòng không của nước này trước các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân.
Phát biểu trong buổi lễ đánh dấu việc hoàn thành hệ thống trên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun bày tỏ vui mừng về hệ thống phòng thủ vững chắc của quân đội nước này. Theo ông, sau 10 năm phát triển, với việc hoàn tất quá trình phát triển L-SAM, Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa vào sản xuất từ năm tới và triển khai cho quân đội vào nửa sau của thập kỷ này.
Sau khi được triển khai, L-SAM sẽ đóng vai trò trung tâm trong lá chắn tên lửa đa lớp của Hàn Quốc có tên gọi là "Phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc" (KAMD). Bên trong KAMD còn có hệ thống phòng không Patriot Advanced Capability-3 và M-SAM II của Mỹ, có khả năng đánh chặn các mục tiêu trong phạm vi độ cao 40 km.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không nêu chi tiết độ cao chính xác mà hệ thống mới có thể bao phủ nhưng L-SAM được cho là có thể bắn hạ các mục tiêu ở độ cao từ 50 - 60 km.
Các chuyện gia quân sự nhận định KAMD sẽ là trụ cột trong cấu trúc răn đe 3 trục của đất nước, bao gồm 2 trục còn lại là nền tảng Tấn công phủ đầu Kill Chain và hệ thống Trừng phạt và Trả đũa hàng loạt Hàn Quốc (KMPR). Hiện, quân đội nước này đang tiếp tục phát triển phiên bản Block-II của L-SAM để nâng độ cao đánh chặn.
Một cuộc thử nghiệm đánh chặn của Hệ thống Tên lửa đất đối không tầm xa của Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)
Ngày 28/8, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) thông báo quân đội nước này đang nâng cấp Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không (KAMD) để ứng phó với các bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật kiểu mới mà Triều Tiên vừa công bố.
Động thái này của Hàn Quốc xuất phát từ việc Triều Tiên công bố vào ngày 5/8 rằng đã bàn giao 250 bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật mới cho các đơn vị quân đội ở khu vực tiền tuyến. Mỗi bệ phóng này có khả năng lắp 4 tên lửa đạn đạo tầm gần (CRBM).
Khẳng định sức mạnh phòng thủ
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun tuyên bố: "Dù Triều Tiên có ý đồ khiêu khích bằng tên lửa, họ cũng không thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ vững chắc của quân đội chúng ta. Triều Tiên sẽ phải trả giá bằng sự kết thúc của chế độ, một cái giá lớn hơn nhiều so với những gì có thể đạt được từ khiêu khích".
Một quan chức thuộc Bộ trên nhấn mạnh KAMD là hệ thống bảo vệ lãnh thổ Hàn quốc trong khi hai hệ thống kia tập trung nhiều hơn vào tấn công, một viên chức của bộ cho biết. Việc phát triển L-SAM có ý nghĩa vì Seoul có thêm một cơ hội đánh chặn ở độ cao lớn hơn. Điều này nâng cao mức độ phòng thủ cho lãnh thổ.
.(Ảnh: globaldefensecorp)
Trước đó, trong năm 2023, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ sẽ chi gần 350 nghìn tỷ won (266 tỷ USD) trong năm năm tới để duy trì và tăng cường năng lực phòng thủ, bao gồm hệ thống răn đe "ba trục" của quân đội chống lại các mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên.
Bộ này đã công bố kế hoạch quốc phòng trung hạn giai đoạn 2024-2028 trong bối cảnh Seoul tìm cách tăng cường năng lực phòng thủ trước các mối đe dọa quân sự do các vụ thử nghiệm tên lửa và phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Triều Tiên. Chương trình phòng thủ của Hàn quốc gồm nhiều thiết bị hiện đại như mua vệ tinh trinh sát quân sự, triển khai thêm tàu ngầm, hệ thống đánh chặn tên lửa tiên tiến và phát triển đạn pháo xung điện từ (EMP).
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gia tăng trong thời gian qua. Giữa tháng 10, Triều Tiên đã kích nổ mìn, phá hủy nhiều đoạn thuộc tuyến đường Gyeongui và Donghae nối liền với Hàn Quốc. Các tuyến đường là thành tựu của thời kỳ quan hệ hai bên giảm căng thẳng.
Triều Tiên cũng nhiều lần cáo buộc Hàn Quốc triển khai máy bay không người lái (UAV) mang truyền đơn hoạt động trên vùng trời Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 16/10 thông báo Quốc hội nước này đã hoàn thành việc sửa đổi hiến pháp theo yêu cầu của Chủ tịch Kim Jong Un, với nội dung từ bỏ mục tiêu thống nhất quốc gia, đồng thời xác định Hàn Quốc là "quốc gia thù địch".
Ngày 21/10, hãng thông tấn Yonhap trích dẫn từ các nguồn tin của Cơ quan tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên dường như đang điều quân sang Nga. Cùng với việc tiết lộ các hình ảnh vệ tinh, NIS cáo buộc Triều Tiên đã gửi khoảng 12.000 quân tới Nga để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Ukraine, bên cạnh việc triển khai 1.500 lính đặc nhiệm tới Vladivostok.
Nga và Triều Tiên đến nay tiếp tục bác bỏ cáo buộc Bình Nhưỡng đưa quân đến Nga để tham chiến, cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ. Mặt khác, Moscow nêu rõ, kể cả kịch bản Triều Tiên đưa lính đến Nga cũng không vi phạm luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào ngày 1/11 rằng Bình Nhưỡng sẽ ủng hộ Moscow cho đến khi giành được chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!