Không chỉ tại Mỹ, thị trường châu Âu cũng đã vừa chứng kiến một tuần giao dịch sôi động, phần lớn nhờ vào các cổ phiếu trong lĩnh vực quốc phòng.
Các nước châu Âu hiện không còn trông chờ vào Mỹ, mà đang kỳ vọng tự chủ, xây dựng một nền quốc phòng độc lập, tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho công nghiệp quốc phòng.
Ngoài ra, triển vọng ngưng chiến tại Ukraine, tuy mong manh, nhưng cũng đã hỗ trợ dòng cổ phiếu xây dựng và nguyên vật liệu tái thiết.
Cổ phiếu quốc phòng tăng đều từ ba năm qua, đã đột ngột tăng vọt thêm nữa trong tuần vừa rồi, hệ quả từ các biến động trong chính sách đối ngoại.
Tờ Thời báo Thuỵ Sĩ có bài “Mỹ ngãng ra đang thúc đẩy công nghiệp quốc phòng châu Âu”. Hội nghị An ninh Munich kết thúc hôm Chủ nhật, ngay ngày hôm sau, “cổ phiếu quốc phòng đều tăng mạnh”. “Các nhà đầu tư đặt cược rằng, chi tiêu quân sự tại châu Âu sẽ buộc phải tăng”. Bài báo viết: chỉ trong ngày đầu tuần, “cổ phiếu của tập đoàn quốc phòng Đức Rheinmetall, chuyên về xe bọc thép và đạn pháo, đã tăng hơn 15,6% so với mức đóng cửa phiên hôm trước”. Như vậy là “cổ phiếu Rheinmetall đã tăng gần gấp 10 lần, ngày này năm 2022 mới chỉ 97 Euro, mà hôm đầu tuần vừa rồi đã lên tới 950 Euro”.
Tính trung bình các sàn chứng khoán châu Âu, sau ba năm, nhóm cổ phiếu quốc phòng đã tăng 114%. Tờ Mặt trời 24h của Italy có bài “Từ Leonardo đến Rheinmetall, cổ phiếu quốc phòng cất cánh”. Leonardo là công ty của Italy sản xuất trực thăng vũ trang, hệ thống tác chiến điện tử, xe bọc thép… Hôm đầu tuần vừa rồi, “Leonardo tăng hơn 8%, thế còn nếu tính từ đầu cuộc xung đột tại Ukraine thì tăng gần gấp ba lần”. Tờ báo liệt kê mức tăng trong 12 tháng trở lại đây của một số cổ phiếu quốc phòng châu Âu, với nhận xét: “Giờ đây, các nước châu Âu không còn tranh luận xem là có nên tăng chi tiêu quốc phòng nữa hay không, tăng là chắc chắn, giờ chỉ bàn xem huy động vốn như thế nào”. Bài báo viết: nếu ngân sách quốc phòng lên mức 5% tổng sản phẩm nội địa, thì “mỗi năm châu Âu sẽ cần tới 875 tỷ USD”. “Nếu như trong đại dịch Covid, Liên minh châu Âu đã huy động được tới 2.000 tỷ Euro, thì nay cũng sẽ có khả năng tài trợ cho cuộc khủng hoảng mới này”.
Một diễn biến chính trị nữa cũng thúc đẩy chứng khoán châu Âu, đó là triển vọng ngưng chiến tại Ukraine khi Mỹ và Nga nối lại đối thoại. Tờ Borsen của Đan Mạch trích Giám đốc một quỹ đầu tư, rằng “đạt được thỏa thuận sẽ không chỉ có lợi cho cổ phiếu châu Âu mà còn cho toàn cầu”. Một đất nước bị tàn phá chuyển sang giai đoạn tái thiết mở ra biết bao cơ hội cho giới đầu tư. Bài báo lấy ví dụ “cổ phiếu châu Âu trong ngành xây dựng nói riêng sẽ có thể mang lại lợi nhuận vượt trội”. Bài báo kể lại rằng một quỹ đầu tư đã sử dụng “công cụ dự đoán Polymarket để đánh giá khả năng hòa bình ở Ukraine, công cụ đó ước tính có 33% cơ may ngưng chiến trong vòng ba tháng tới. Đó là một xác suất đáng kể” đối với giới đầu tư tài chính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!