Ngày này hàng năm đã trở thành Ngày Quốc tế giải phóng tù nhân trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Tại Nga, đây cũng là ngày tưởng nhớ những người đã trải qua "địa ngục trần gian" - những người đã mất và những người còn sống sót.
Chiến tranh đã bắt đầu từ giây phút đầu tiên trong cuộc đời bà Zoya Kumersunk. Bà sinh ngày 7/10/1941 tại Smolensk trong tiếng bom đạn của phát xít Đức. Vài ngày trước khi Chiến dịch Smolensk của Hồng quân Liên Xô kết thúc, bà - khi ấy chưa đầy 2 tuổi - cùng mẹ đã bị quân Đức áp giải lên tàu, đưa đến một trại tập trung ở ngoại ô Berlin và đã ở đó đến ngày cuối cùng được giải phóng.
Bà Zoya Kumersunk - cựu tù binh trẻ em trong trại tập trung của phát xít Đức 1943 - 1945 - mô tả: "Đói. Lạnh. Chúng chế nhạo và làm các thí nghiệm y tế với chúng tôi, dìm chúng tôi trong thùng nước. Bánh mì không phải là bánh mì mà là miếng đất sét dính vào miệng. Tôi nhớ tất cả. Chúng nhỏ thuốc vào mắt tôi. Mẹ đã vỗ lưng tôi và bảo nhắm mắt lại đi, nếu không mắt sẽ sôi lên. Tôi nhớ lời này trong suốt quãng đời còn lại. Không thể nào quên được".
Tù binh trẻ em tại trại Auschwitz (Ảnh: Bộ phim Liên Xô về cuộc giải phóng trại Auschwitz)
"Hoa cháy" - một tượng đài tưởng niệm tù nhân trẻ em trong các trại tập trung của phát xít Đức - đã được dựng lên giữa lòng thành phố Smolensk. Gây ám ảnh là ánh mắt trẻ thơ sau hàng rào thép gai, là những cơ thể đau đớn và kiệt sức, là những cái tên trại tập trung "tử thần" đã hủy diệt sinh mạng của bao người.
Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, gần 165.000 người dân Smolensk - trong đó có tới 11.000 trẻ em dưới 12 tuổi - đã bị bắt đưa đến Đức.
Bà Kumersunk nói: "14.000 trại tập trung của quân phát xít. 11 triệu người đã thiệt mạng, trong đó có 8 triệu trẻ em. Chỉ 1/10 trẻ em sống sót trở về. Những con số thật khủng khiếp, để thấy địa ngục mà chúng tôi đã đi qua và để điều này không bao giờ còn lặp lại".
Nằm ở vùng đất "phên dậu" phía Tây nước Nga, Smolensk đã hứng chịu nhiều nỗi đau chiến tranh. Trong hơn 2 năm dưới sự chiếm đóng tàn bạo của phát xít Đức (từ năm 1941 đến năm 1943), đã có hàng chục trại tập trung và trung chuyển tù binh được lập ra ở đây. Ước tính, chỉ riêng tại trại Gulag 184, 126 và 130, số người bị chôn vùi trong các ngôi mộ tập thể đã là hơn 130.000.
Vẫn còn đây dấu tích của những trại tập trung "tử thần" ở Smolensk, và hồi ức của những người còn sống sót. Có đến đây mới hiểu rằng thời gian đã đi qua nhưng chiến tranh chưa bao giờ xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!