Phái đoàn Mỹ và Ukraine tham gia cuộc đàm phán ngày 11/3/2025 tại Saudi Arabia. (Ảnh: Getty Images)
Tín hiệu tích cực
Ngày 11/3, phái đoàn Mỹ và Ukraine đã bắt đầu cuộc đàm phán tại Jeddah (Saudi Arabia) nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột với Nga, trong bối cảnh chiến sự đã bước sang năm thứ 4.
Cuộc đàm phán diễn ra với sự tham gia của phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Marco Rubio dẫn đầu, cùng cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz. Phía Ukraine có ông Andriy Yermak, trợ lý cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky, làm trưởng đoàn.
Trước cuộc đàm phán, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng đạt được kết quả thực tế, khẳng định lập trường của Ukraine mang tính xây dựng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh, cuộc đàm phán lần này là cơ hội quan trọng để đánh giá mức độ sẵn sàng nhượng bộ của Kiev nhằm đạt được hòa bình.
Tín hiệu tích cực đầu tiên được ghi nhận sau cuộc đàm phán là nhà lãnh đạo Zelensky thông báo Ukraine đã chấp nhận lệnh ngừng bắn 30 ngày do Mỹ đề xuất. Đề xuất ngừng bắn mà Ukraine chấp nhận bao gồm toàn bộ tiền tuyến giao tranh với Nga, không chỉ trên không và trên biển - ông Zelensky cho biết sau cuộc họp kéo dài hơn 8 giờ.
"Ukraine chấp nhận đề xuất của Mỹ. Chúng tôi coi đó là động thái tích cực, sẵn sàng thực hiện bước đi này và Mỹ phải thuyết phục Nga làm như vậy", ông Zelensky bày tỏ quan điểm, đồng thời nói thêm rằng lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực ngay khi Moscow đồng ý.
Phía Mỹ cho biết trong một tuyên bố chung với Ukraine sau cuộc họp tại Jeddah rằng họ sẽ "ngay lập tức dỡ bỏ lệnh tạm dừng chia sẻ thông tin tình báo và nối lại hỗ trợ an ninh cho Ukraine". Một quan chức Ukraine đã xác nhận với kênh CNN rằng hỗ trợ an ninh của Mỹ cho Kiev đã được nối lại.
Ngoài ra, Washington và Kiev cũng cam kết sớm hoàn tất "thỏa thuận toàn diện về phát triển nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của Ukraine".
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ngay sau cuộc họp rằng "gánh nặng" hiện thuộc về Nga trong việc thực hiện các bước nhằm chấm dứt chiến tranh. "Chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ nói đồng ý với hòa bình. Quả bóng hiện đang ở trong tay họ", ông Rubio nói.
Kết quả hội đàm tại Saudi Arabia ngày 11/3 đã phần nào "hạ nhiệt" căng thẳng quan hệ Mỹ - Ukraine sau cuộc tranh cãi "nảy lửa" giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky tại Nhà Trắng hôm 28/2, dẫn đến việc Mỹ cắt viện trợ và cung cấp thông tin tình báo cho Kiev. (Ảnh: CNN)
Tổng thống Trump và EU hoan nghênh kết quả đàm phán
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh kết quả cuộc đàm phán, tuyên bố sẽ nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin về kế hoạch này, có khả năng là trong tuần này.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhanh chóng tán thành đề xuất ngừng bắn, chỉ vài ngày sau khi các cam kết tái vũ trang cho lục địa này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng Mỹ đang xé bỏ 80 năm đảm bảo an ninh cho đồng minh của mình.
Liên minh châu Âu gọi thỏa thuận này là một "diễn biến tích cực", trong khi Thủ tướng Anh Keir Starmer đã chúc mừng các nhà lãnh đạo của cả hai nước về một "bước đột phá đáng chú ý".
Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna cho rằng các cuộc đàm phán là "một bước tiến quan trọng hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine", nhưng nói thêm rằng "trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Nga".
Các quan chức châu Âu khác từ các quốc gia bao gồm Hà Lan, Thụy Điển, Cộng hòa Czech và cả Pháp, khi Tổng thống Emmanuel Macron đã đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài một tháng vào đầu tháng này, một kế hoạch được Vương quốc Anh ủng hộ - cũng hoan nghênh tin tức này.
Nga cáo buộc Ukraine mở cuộc tấn công UAV lớn nhất từ đầu cuộc chiến trong ngày 11/3. (Ảnh: Getty Images)
Các quan chức Ukraine và Mỹ đã gặp nhau tại Jeddah chỉ vài giờ sau khi Nga tuyên bố đã bị tấn công bằng loạt máy bay không người lái "khủng". Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã bắn hạ 337 máy bay không người lái được cho là do Ukraine thực hiện, trong đó có 91 máy bay nhắm vào khu vực Moscow. Các quan chức địa phương cho biết ba người đã thiệt mạng và ít nhất sáu người bị thương.
Nếu con số này được xác nhận, các cuộc tấn công trên không hôm qua sẽ là một trong những cuộc tập kích lớn nhất vào Nga kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát tháng 2/2022, và là nỗ lực rõ ràng nhằm thể hiện sức mạnh của Kiev.
Các lực lượng Nga hiện kiểm soát gần 20% lãnh thổ Ukraine, với khoảng 6 triệu dân, tăng so với khoảng 7% so với trước khi Moscow phát động cuộc chiến.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức giám sát xung đột có trụ sở tại Mỹ, Nga hiện chiếm giữ khoảng 99% khu vực Luhansk và 70% khu vực Donetsk, cũng như khoảng 75% cả hai khu vực Kherson và Zaporizhzhia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!