Dưới sự thúc đẩy của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine đang có dấu hiệu khởi sắc. Trong ba ngày qua, các cuộc gặp riêng rẽ giữa Mỹ với Ukraine, Mỹ với Nga, rồi lại Mỹ với Ukraine đã diễn ra liên tiếp tại khách sạn Ritz Carlton, thủ đô Riyadh, Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út).
Phái đoàn Mỹ do Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh quốc gia Andrew Peek và quan chức Bộ Ngoại giao Michael Anton dẫn đầu. Phía Nga có Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Grigory Karasin và Cố vấn Cơ quan An ninh Liên bang Sergei Beseda. Ukraine được đại diện bởi Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov.
Sau cuộc đàm phán kéo dài 6 giờ ngày 23/3, ông Umerov đã mô tả cuộc thảo luận "hiệu quả", đề cập đến các vấn đề then chốt như năng lượng và mục tiêu hướng tới một nền hòa bình "công bằng và lâu dài".
Trong khi đó, Mỹ và Nga đã có cuộc đàm phán 12 giờ vào ngày 24/3, đạt được đồng thuận ban đầu về đề xuất lệnh ngừng bắn giới hạn tại Biển Đen, qua đó tạo điều kiện nối lại hoạt động vận chuyển hàng hóa và ngũ cốc sau hai năm gián đoạn.
Khách sạn Ritz-Carlton ở Riyadh, Saudi Arabia, nơi diễn ra cuộc đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và Ukraine, ngày 23/3/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, xác nhận hai bên đã đạt được "hiểu biết chung" về nhu cầu giải quyết xung đột, dù vẫn còn nhiều vấn đề kỹ thuật cần được bàn thảo. Ông nhấn mạnh khởi đầu từ Sáng kiến Biển Đen là cần thiết, đồng thời nhắc lại rằng một số nghĩa vụ với phía Nga trong các thỏa thuận trước đây chưa được thực hiện đầy đủ.
Phái đoàn Ukraine đã quyết định ở lại Riyadh thêm một ngày để tiếp tục làm việc với Mỹ. Dù chưa có nhiều chi tiết được tiết lộ, giới quan sát nhận định những "điểm nghẽn" chính đang được các bên tìm cách tháo gỡ, có thể mở đường cho một thỏa thuận lớn hơn.
Tuy vậy, theo nhận định từ nhiều chuyên gia và báo giới quốc tế, triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện vẫn còn xa vời. Trang Moscow Times cho biết, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ – ông Steve Witkoff – tỏ ra lạc quan rằng một thỏa thuận ban đầu có thể dẫn tới ngừng bắn toàn diện. Song Điện Kremlin thận trọng khi đánh giá đây mới chỉ là bước đầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AP)
Reuters dẫn nguồn từ các nước châu Âu cho biết họ vẫn nghi ngờ khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận nhượng bộ đáng kể, khi Moscow tiếp tục giữ nguyên các yêu sách như từ năm 2022. Trong khi đó, The Guardian phân tích rằng Ukraine muốn một lệnh ngừng bắn toàn diện ngay lập tức, tiếp theo là thỏa thuận hòa bình có sự đảm bảo từ phương Tây. Ngược lại, Nga yêu cầu một thỏa thuận toàn diện ngay từ đầu, đồng thời phản đối bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của phương Tây tại Ukraine.
Giáo sư Carl Thayer – chuyên gia chính trị quốc tế thuộc Đại học New South Wales (Australia) – nhận định: "Bước đầu tiên có thể là lệnh ngừng bắn 30 ngày, nhưng rất khó nói điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Giao tranh bằng máy bay không người lái và tên lửa vẫn đang diễn ra. Cả hai bên đều đưa ra những yêu sách quá lớn, khiến triển vọng hòa bình trở nên rất mong manh".
Trang Bloomberg dẫn một nguồn tin không chính thức cho biết Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy đạt thỏa thuận trước lễ Phục Sinh (20/4). Tuy nhiên, chính Washington cũng thừa nhận khung thời gian này có thể bị lùi lại do bất đồng lớn giữa các bên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!