Chính phủ Mỹ đã thông báo đình chỉ khoản tài trợ liên bang cho Đại học Harvard, trong đó có 2,2 tỷ USD từ các khoản tài trợ dài hạn và 60 triệu USD từ các hợp đồng nghiên cứu. Động thái này diễn ra sau khi Đại học Harvard bác bỏ các yêu cầu cải tổ chính sách được đưa ra bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump, đánh dấu một cuộc đối đầu chưa từng có giữa Nhà Trắng và trường đại học danh giá nhất nước Mỹ.
Trong tuyên bố công khai ngày 14/4, ông Alan Garber – Chủ tịch Đại học Harvard – khẳng định nhà trường sẽ không chấp nhận những yêu cầu can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ và cho rằng các điều kiện mà chính phủ đưa ra là "bất hợp pháp", đe dọa các quyền tự do học thuật và độc lập của một trường đại học tư thục. Ông nhấn mạnh: “Không có chính phủ nào – bất kể đảng nào cầm quyền – được phép quyết định trường đại học tư thục giảng dạy điều gì, tuyển ai, và nghiên cứu lĩnh vực nào”.
Sinh viên biểu tình phản đối chiến tranh ở Gaza, tại Đại học Harvard ở Cambridge, Mass., ngày 25/4/2024. (Ảnh: AP)
Trước đó, ngày 11/4, chính quyền Tổng thống Trump đã gửi một bức thư yêu cầu Đại học Harvard phải thực hiện hàng loạt thay đổi sâu rộng, bao gồm: báo cáo sinh viên quốc tế vi phạm quy định, chia sẻ toàn bộ dữ liệu tuyển sinh theo chủng tộc và điểm số, đóng cửa mọi chương trình liên quan đến đa dạng và hòa nhập, kiểm toán đạo văn với toàn bộ giảng viên, và đưa các chương trình học "liên quan đến chủ nghĩa bài Do Thái" vào diện giám sát độc lập.
Chính quyền Trump nhấn mạnh các cải cách này là một phần trong nỗ lực trấn áp chủ nghĩa bài Do Thái trong các trường đại học – lý do từng khiến 400 triệu USD tài trợ bị cắt khỏi Đại học Columbia trước đó. Tuy nhiên, Harvard cho rằng chính phủ đã bỏ qua các nỗ lực đáng kể mà trường đã thực hiện trong thời gian qua để cải thiện môi trường học thuật và an ninh trong khuôn viên, bao gồm kỷ luật sinh viên vi phạm và thúc đẩy sự đa dạng quan điểm.
Thông tin từ Bộ Giáo dục Mỹ còn cho biết, ngoài hơn 2 tỷ USD đã bị đình chỉ, Harvard đang đối mặt với nguy cơ mất thêm 8,7 tỷ USD trong các “cam kết tài trợ nhiều năm”, nâng tổng mức ảnh hưởng tài chính lên gần 9 tỷ USD.
Phản ứng quyết liệt của Harvard đã được cộng đồng giáo dục đại học tại Mỹ hoan nghênh, trong bối cảnh nhiều trường đại học khác vẫn đang chịu áp lực lớn từ chính quyền liên bang liên quan đến vấn đề tự do học thuật và quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục tư thục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!