Lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu
Thông tin gây tác động, thậm chí là chấn động cả thế giới trong ngày hôm nay chính là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp đặt các mức thuế mới đối với hầu hết các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam lên tới 46%.
Mức áp thuế mới đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu. Đây là bước leo thang mạnh mẽ trong chính sách bảo hộ thương mại, với việc áp dụng mức thuế đối ứng cho hàng chục quốc gia và áp thuế 10%. 60 nền kinh tế bị Mỹ cho là "gây mất cân bằng thương mại" đã bị áp các mức thuế đối ứng từ 10- 46%.
Trong đó, Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%. Tiếp đó là Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu 20-26%.
Theo giải thích của Nhà Trắng, thuế đối ứng được tính bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó áp lên hàng hóa Mỹ, dựa trên công thức tính toán của Bộ Tài chính Mỹ. Công thức này không chỉ dựa trên thuế quan, mà còn tính đến các yếu tố như rào cản phi thuế quan, thao túng tiền tệ và thâm hụt thương mại song phương.
Bên cạnh thuế đối ứng, sắc lệnh được ông Trump ký ngày hôm qua còn đưa ra mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực ngay từ ngày 5/4.
Việc áp thuế đối ứng ước tính sẽ mang lại cho ngân sách của nền kinh tế số một thế giới số tiền lên tới 6.000 tỷ USD
Thế giới phản ứng quyết định áp thuế quan của Mỹ
Việc áp thuế đối ứng ước tính sẽ mang lại cho ngân sách của nền kinh tế số một thế giới số tiền lên tới 6.000 tỷ USD, nhưng cũng sẽ gây ra những tác động không nhỏ đến thương mại toàn cầu.
Nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu EU đã ngay lập tức tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả mức thuế mới của Mỹ. Trong khi đó, thị trường tài chính thế giới hôm nay cũng chứng kiến một phiên lao dốc.
Trung Quốc nằm trong nhóm những nước chịu mức thuế bổ sung cao nhất. Bộ Thương mại nước này đã bày tỏ phản đối và nhấn mạnh sẽ có các biện pháp đáp trả kiên quyết để bảo vệ lợi ích của mình.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu EC - Ursula Von Der Leyen mô tả chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một đòn giáng nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu.
Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Chúng ta hãy nhìn nhận rõ về những hậu quả to lớn. Nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tổn thất nặng nề. Sự bất ổn sẽ gia tăng và kích hoạt làn sóng chủ nghĩa bảo hộ mới".
Bà Ursula Von Der Leyen cũng khẳng định, Liên minh châu Âu EU đã sẵn sàng đáp trả mức thuế đối ứng 20% của Mỹ nếu các cuộc đàm phán với Washington không đạt được kết quả.
Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cũng đã lên tiếng chỉ trích mức thuế mới do Mỹ áp đặt. Ông Luxon nêu ý kiến: "New Zealand bị đánh thuế 10%. Nhưng rõ ràng, có những quốc gia khác bị đánh thuế từ 30 đến 40%. Chúng tôi không hiểu con số đó đó được tính toán như thế nào".
Việc áp thuế mới của Mỹ đã làm làm rung chuyển các thị trường tài chính trong phiên giao dịch ngày 3/4. Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đều chứng kiến xu thế giảm điểm bao trùm.
Việc áp thuế mới của Mỹ đã làm làm rung chuyển các thị trường tài chính trong phiên giao dịch ngày 3/4.
Doanh nghiệp Mỹ lo ngại về chính sách thuế quan mới
Trong khi đó, tại chính nước Mỹ, giới doanh nghiệp và chuyên gia ngay lập tức bày tỏ quan ngại về nguy cơ động thái này sẽ đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ.
Doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ vừa phải thuê một doanh nghiệp đóng gói bên ngoài cho các hoạt động sản xuất, sa thải phần lớn nhân viên và điều hành doanh nghiệp từ xa. Từng vượt qua các chính sách thuế quan trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng với các chính sách mới, doanh nghiệp này sẽ đối mặt nhiều thách thức.
Bà Annie Bassin - Doanh nghiệp kinh doanh thức uống từ gừng Annie's Ginger Elixir, Mỹ tâm sự: "Chúng tôi đang phải đối mặt với mức tăng chi phí khổng lồ và đang cố gắng đối phó bằng cách cắt giảm chi phí vận hành và nhân công để không phải tăng giá quá cao đối với khách hàng của mình".
Lo ngại của Annie's Ginger Elixir cũng phản ánh lo ngại chung của các doanh nghiệp nhỏ tại New York.
Bà Annie Bassin chia sẻ thêm: "New York chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp nhỏ. Và điều đó ảnh hưởng thế nào đến New York. Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến phần còn lại của đất nước? Chúng tôi không biết nữa. Chúng tôi không còn chút tự tin nào cả".
Theo Phòng Thương mại Mỹ, mức tăng thuế sẽ làm tăng chi phí cho chính người tiêu dùng Mỹ và gây tổn hại đến nền kinh tế. Đại diện Hiệp hội Công nghệ Người tiêu dùng Mỹ cũng cảnh báo các mức thuế toàn cầu thậm chí sẽ ảnh hưởng đến việc làm và có thể gây ra suy thoái cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính phủ lập tổ phản ứng nhanh về thuế quan của Mỹ
Tại Việt Nam, ngay sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố mức thuế đối ứng với hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ, Chính phủ đã họp đánh giá tình hình.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến tình hình để vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài. Khẩn trương lấy ý kiến từ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu và giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các Bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!