Phiến quân M23 đứng bên ngoài một sân vận động ở Goma, miền đông Congo, ngày 6/2 (Ảnh: AFP / Getty Images)
Phiến quân M23 đã tăng cường các cuộc tấn công vào lực lượng quân chính phủ và đồng minh của quốc gia Trung Phi này ở phía Đông kể từ đầu năm, làm leo thang cuộc xung đột ở Congo kéo dài hàng thập kỷ qua.
Tuần trước, Angola tuyên bố rằng nước này sẽ làm trung gian cho những cuộc đàm phán ngừng bắn trực tiếp giữa nhóm M23 và chính quyền Congo vào ngày 18/3.
Tina Salama - người phát ngôn của Tổng thống Congo - cho biết: "Ở giai đoạn này, chúng tôi không thể thông tin người nào sẽ tham gia phái đoàn đàm phán".
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X vào ngày 16/3, người phát ngôn của M23 Lawrence Kanyuka xác nhận nhóm này đã nhận được lời mời từ Chính phủ Angola, nhưng không nêu rõ liệu họ có tham dự các cuộc đàm phán tại thủ đô Luanda hay không. Vào ngày 12/3, Bertrand Bisimwa - một lãnh đạo của M23 - đã mô tả đối thoại là "lựa chọn văn minh duy nhất để giải quyết cuộc nội chiến tại Congo đã kéo dài hàng thập kỷ cho tới nay".
Hàng nghìn cư dân đã phải chạy trốn, hơn 8.500 người đã thiệt mạng khi giao tranh giữa lực lượng chính phủ và phiến quân M23 leo thang ở Congo (Ảnh: Anadolu)
Vào ngày 15/3, Tổng thống Angola Joao Manuel Goncalves Lourenco - cũng là Chủ tịch của Liên minh châu Phi - đã thúc giục các bên xung đột ngừng giao tranh từ nửa đêm 16/3, qua đó tạo bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, giới chức địa phương cho biết các cuộc đụng độ vẫn xảy ra tại thị trấn Walikale của tỉnh Bắc Kivu.
Trước đó, chính quyền Congo đã từ chối đàm phán với lực lượng phiến quân. Và các nỗ lực hòa bình do Angola làm trung gian đã bị dừng lại vào tháng 12/2024.
Khu vực phía Đông giàu khoáng sản của Congo đã phải hứng chịu đựng nhiều thập kỷ bạo lực, do M23 và các nhóm vũ trang chống chính quyền khác thực hiện để giành quyền lực và khoáng sản như vàng và kim cương. Chính phủ Congo đã nhiều lần cáo buộc Rwanda ủng hộ các chiến binh - điều mà quốc gia láng giềng này phủ nhận.
Trong đợt leo thang xung đột mới nhất vào tháng 1, các chiến binh đã chiếm giữ một số thành phố quan trọng, bao gồm thủ phủ Goma của tỉnh Bắc Kivu và Bukavu, thủ phủ của tỉnh Nam Kivu. Theo số liệu gần đây từ Bộ Y tế Kinshasa, hơn 8.500 người đã thiệt mạng do giao tranh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!