Lời đề nghị của ông Trump về việc tái định cư những người Nam Phi da trắng (Afrikaner) - với tư cách là những người tị nạn chạy trốn khỏi sự đối xử bất công ở Nam Phi - đã không được đón nhận ngay lập tức như ông dự đoán.
Các tổ chức người Nam Phi da trắng này - bao gồm Solidarity và AfriForum - đã tổ chức một cuộc họp báo hôm 8/2 tại thủ đô Pretoria để phản hồi sắc lệnh của Tổng thống Trump được ban hành trước đó một ngày, trong đó cáo buộc Nam Phi tịch thu tài sản nông nghiệp của người Nam Phi da trắng thiểu số và trao cho cộng đồng này cơ hội xin quy chế tị nạn tại Mỹ.
Giám đốc điều hành của nhóm vận động hành lang Afrikaner AfriForum Kallie Kriel cho biết đại diện của người Afrikaner sẽ đến Mỹ để gặp chính quyền Trump vào cuối tháng 2 này.
Khi được hỏi về cáo buộc tịch thu đất đai, ông Kriel cho biết tình hình đã xảy ra nhưng không phải do chính phủ thực hiện.
Ông nói: "Những vụ chiếm đoạt đất đai được thực hiện bởi những người có động cơ chính trị. Lý do chính phủ phải chịu trách nhiệm là vì họ không coi trọng hoặc ngăn chặn việc này".
Hôm 8/2, Bộ Quan hệ và Hợp tác Quốc tế (DIRCO) của Nam Phi đã bày tỏ lo ngại về sắc lệnh của Tổng thống Trump nhằm cắt giảm viện trợ tài chính cho quốc gia này. Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông Mỹ, Mỹ đã phân bổ gần 440 triệu USD viện trợ cho Nam Phi vào năm 2023.
Trước đó, vào ngày 7/2, Tổng thống Mỹ Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp đình chỉ viện trợ của Mỹ cho Nam Phi, dẫn lý do là Nam Phi có đạo luật tịch thu đất của người gốc Âu nhằm khắc phục tình trạng bất bình đẳng về đất đai. Tuy nhiên, ngay cả các nhóm vận động hành lang cánh hữu của người gốc Âu ở Nam Phi cũng muốn giải quyết những bất công ở ngay đất nước mình.
Một phong trào khác cho biết họ đại diện cho khoảng 600.000 gia đình và 2 triệu cá nhân người gốc Âu bày tỏ cam kết tiếp tục sinh sống ở Nam Phi. Đại diện của Orania - một vùng đất chỉ dành cho người gốc Âu ở miền Trung Nam Phi - cũng đã từ chối lời đề nghị của Tổng thống Trump. Người gốc Âu ở Nam Phi chủ yếu là hậu duệ của những người định cư đầu tiên là người Hà Lan và Pháp - những người sở hữu phần lớn đất nông nghiệp ở Nam Phi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!