Mỹ dừng viện trợ quân sự cho Kiev
Ngày 3/3, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tạm dừng các chuyến hàng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine. Động thái của ông Trump diễn ra ngay sau cuộc tranh cãi gay gắt với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 28/2.
Một quan chức Mỹ cho biết lệnh này sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Trump xác định ông Zelensky thể hiện cam kết chân thành đối với việc tìm kiếm các cuộc đàm phán hòa bình. "Tổng thống đã nói rõ rằng ông ấy tập trung vào hòa bình. Chúng tôi cần các đối tác của mình cũng cam kết thực hiện mục tiêu đó. Chúng tôi đang tạm dừng và xem xét lại viện trợ cho Ukraine để đảm bảo rằng nó đang góp phần vào giải pháp thúc đẩy hòa bình", một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Cuộc thảo luận ngoại giao vốn được kỳ vọng sẽ bàn về tương lai của Ukraine đã nhanh chóng tan vỡ khi ông Trump và Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích ông Zelensky, cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine sử dụng sự hỗ trợ của Mỹ như một "con bài mặc cả" trong đàm phán tiềm năng với Nga.
Giây phút căng thẳng giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, ngày 28/2/2025. (Ảnh: CNN)
Sau gần một tuần xảy ra mâu thuẫn công khai giữa Washington và Kiev, lệnh tạm dừng viện trợ hôm 3/3 là dấu hiệu thực tế nhất cho thấy mối quan hệ Mỹ - Ukraine đã xấu đi đáng kể từ khi ông Trump nhậm chức, đồng thời là dấu hiệu có thể làm thay đổi sâu sắc cuộc xung đột tại Ukraine.
Quyết định này không chỉ tác động đến viện trợ cho Ukraine trong tương lai mà còn ảnh hưởng đến các lô vũ khí đang được vận chuyển, bao gồm các lô hàng trên máy bay và tàu, cũng như các thiết bị đang chờ chuyển giao ở Ba Lan.
Trong khi đó, kênh CNN dẫn lời một quan chức Ukraine cho hay, Kiev có thể cạn kiệt tên lửa Patriot trong vài tuần tới nếu không có nguồn cung mới từ Washington. Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất là vũ khí duy nhất giúp Ukraine phòng vệ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga. Tuy nhiên, với việc Mỹ tạm ngừng chuyển giao các chuyến hàng quân sự tới Kiev, Ukraine có thể sớm cạn kiệt loại tên lửa này.
Các quan chức phương Tây nhận định Ukraine có thể duy trì nhịp độ chiến đấu hiện tại trong vài tuần, xa hơn là đến đầu mùa hè, trước khi lệnh tạm dừng của Mỹ bắt đầu có tác động lớn. Trong khi các quốc gia châu Âu có thể thay thế các lô hàng pháo binh của Mỹ, được bổ sung bởi ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của chính Ukraine, thì các loại vũ khí tiên tiến nhất mà Kiev sử dụng lại đến từ Washington.
Làm suy giảm khả năng tự vệ của Ukraine
Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Ratcliffe ngày 5/3 cho biết, nước này đã tạm dừng chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine.
Phát biểu với Fox Business Network, ông John Ratcliffe cho biết: "Trên mặt trận quân sự và mặt trận tình báo, sẽ có sự tạm dừng. Tôi nghĩ chúng ta sẽ sát cánh cùng Ukraine để đẩy lùi cuộc tấn công đang diễn ra, nhưng cũng phải đưa thế giới vào một vị thế tốt đẹp hơn để các cuộc đàm phán hòa bình này có thể tiến triển".
Sức chiến đấu của quân đội Ukraine thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh ngăn chặn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Tuy vậy cả ông John Ratcliffe và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz đều cho biết, việc tạm dừng có thể chỉ kéo dài trong thời gian ngắn nếu Tổng thống Trump nhận thấy Ukraine đang thực hiện các bước hướng tới đàm phán chấm dứt xung đột.
Quyết định tạm dừng chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ có thể khiến Kiev chịu tổn thất lớn hơn trên chiến trường, làm suy giảm khả năng xác định mục tiêu tấn công của quân đội Ukraine, ảnh hưởng đến khả năng tự vệ của nước này trước các cuộc oanh kích bằng tên lửa của Nga.
Ukraine có còn cơ hội?
Trong phần cuối bài phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện vào tối 4/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã nhận được một lá thư từ nhà lãnh đạo Volodymyr Zelensky, với nội dung Ukraine đã sẵn sàng ký thỏa thuận khoáng sản, chỉ vài ngày sau cuộc "tranh cãi" căng thẳng tại Phòng Bầu dục.
"Lá thư viết rằng Ukraine sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán sớm nhất có thể để tiến gần hơn đến nền hòa bình lâu dài", ông Trump tuyên bố. "Tôi đánh giá cao việc ông ấy đã gửi lá thư này, tôi vừa mới nhận được nó cách đây không lâu", ông nói thêm.
Trước viễn cảnh u ám, dường như Tổng thống Zelensky đã có động thái "xuống thang" với chính quyền Trump. (Ảnh: Getty Images)
Ngày 5/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Mike Waltz cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ xem xét khôi phục viện trợ cho Ukraine nếu cuộc đàm phán hòa bình được sắp xếp và các biện pháp xây dựng lòng tin được thực hiện.
Ông Waltz nhận định bức thư của Tổng thống Zelensky là một bước đi tích cực, đồng thời cho biết thêm rằng các quan chức chức đang thảo luận về thời gian, địa điểm và nhóm đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.
Cùng ngày, báo Financial Times dẫn lời các quan chức thạo tin cho biết Mỹ đã chấm dứt hoàn toàn việc chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine. Theo nguồn tin trên, động thái này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng xác định mục tiêu tấn công của quân đội Ukraine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!