Bảo vệ "hồ nước trong nhất thế giới" trước nguy cơ ô nhiễm

Mạnh Dương (Theo CNN)-Thứ hai, ngày 17/02/2025 06:44 GMT+7

Hồ Rotomairewhenua nằm trên núi cao được bao quanh bởi những khu rừng dốc. (Ảnh: CNN)

bangdatally.xyz - Nhiều biện pháp được triển khai nhằm bảo vệ hồ Rotomairewhenua, được coi là hồ nước trong nhất thế giới, trước nguy cơ ô nhiễm.

Hồ Rotomairewhenua, còn gọi là Blue Lake, nằm sâu trong Vườn quốc gia Nelson Lakes trên Đảo Nam của New Zealand, được công nhận là hồ nước có độ trong suốt cao nhất thế giới. Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng du khách đang đặt ra mối đe dọa đối với sự tinh khiết của hồ.

Nguy cơ ô nhiễm do tảo ngoại lai

Hồ Rotomairewhenua có nguồn nước suối từ sông băng Lake Constance chảy về và được bộ tộc Māori Ngāti Apa xem là nơi linh thiêng. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự nổi tiếng của hồ nước này đã thu hút đông đảo khách du lịch, làm gia tăng nguy cơ lây lan loài tảo ngoại lai Lindavia, còn gọi là "lake snow" hay "lake snot", vì lớp nhầy mà nó tạo ra trong nước.

Theo chuyên gia nghiên cứu tảo Phil Novis, Lindavia là loài tảo xâm lấn từ Bắc Mỹ, có thể đã xâm nhập New Zealand thông qua dụng cụ câu cá. Loài tảo này dễ dàng bám vào giày dép, quần áo hay dụng cụ cá nhân của du khách và có thể làm thay đổi hệ sinh thái hồ mãi mãi.

Bảo vệ hồ nước trong nhất thế giới trước nguy cơ ô nhiễm - Ảnh 1.

Lindavia có mặt ở các hồ khác tại New Zealand, chẳng hạn như Hồ Tekapo, gây ra sự phiền toái như làm tắc nghẽn máy móc. (Ảnh: Genesis Energy)

"Nếu sinh vật này xâm nhập vào hồ, nó có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến chất lượng nước và hệ sinh thái tổng thể của hồ", bà Jen Skilton, cố vấn môi trường của tổ chức Ngāti Apa ki te Rā Tō Trust, bày tỏ lo ngại. Đối với người Ngāti Apa, hồ Rotomairewhenua không chỉ là một danh thắng thiên nhiên mà còn là một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa của họ.

Các biện pháp bảo vệ hồ nước trong nhất thế giới

Trước nguy cơ này, chính quyền New Zealand đã triển khai hàng loạt biện pháp bảo vệ hồ, phối hợp giữa Bộ Bảo tồn, tổ chức Ngāti Apa ki te Rā Tō Trust và Te Araroa Trust. Các trạm làm sạch giày và thiết bị được lắp đặt dọc theo các tuyến đường đến hồ, kèm theo biển báo yêu cầu du khách rửa sạch giày dép và thiết bị trước khi tiếp tục hành trình.

Bảo vệ hồ nước trong nhất thế giới trước nguy cơ ô nhiễm - Ảnh 2.

Hồ Rotomairewhenua, còn gọi là Blue Lake. (Ảnh: Squashem)

Ngoài ra, du khách được khuyến cáo không chạm vào nước hồ, không bơi lội, không nhúng khăn hay máy ảnh... xuống nước. Lý do không chỉ vì nguy cơ sinh học mà còn vì sự tôn nghiêm của hồ, vốn được người Māori xem là nơi linh thiêng. "Nước của Rotomairewhenua được gọi là ‘tapu’ (thiêng liêng) và việc chạm vào nước là một sự vi phạm" bà Skilton nhấn mạnh.

Trong mùa cao điểm từ tháng 12 đến tháng 3 hằng năm, các nhân viên của Bộ Bảo tồn hoặc đại diện của Ngāti Apa được cử đến hồ để giám sát và nhắc nhở du khách về các quy định bảo vệ môi trường và văn hóa.

Cân bằng giữa bảo tồn và du lịch

Số lượng du khách đến hồ Rotomairewhenua đã tăng gấp đôi kể từ khi hồ được công nhận là "hồ nước trong nhất thế giới" vào năm 2013. Điều này mang lại cơ hội nhưng cũng đặt ra trách nhiệm lớn trong công tác bảo tồn.

Bà Melissa Griffin, chuyên gia bảo tồn của Vườn quốc gia Nelson Lakes, cho biết việc duy trì lượng khách hợp lý là điều quan trọng, vì sự gia tăng du lịch không chỉ gây áp lực lên hệ sinh thái mà còn làm tăng chi phí bảo trì, xử lý rác thải và các yếu tố tác động đến môi trường.

"Chúng tôi không muốn hạn chế du khách, nhưng điều quan trọng là họ phải hiểu được giá trị của nơi này và thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác động của mình", bà Griffin nhấn mạnh.

Sự kết hợp giữa trách nhiệm bảo tồn và nhận thức của du khách sẽ là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ Rotomairewhenua, để hồ nước trong nhất thế giới tiếp tục duy trì vẻ đẹp và ý nghĩa văn hóa của nó cho các thế hệ tương lai.

Phát hiện hồ nước nóng ngầm xanh ngắt lớn nhất thế giới ở độ sâu hơn 100m Phát hiện hồ nước nóng ngầm xanh ngắt lớn nhất thế giới ở độ sâu hơn 100m Hồ nước lớn nhất thế giới thu hẹp nhanh đến mức khó có thể phục hồi Hồ nước lớn nhất thế giới thu hẹp nhanh đến mức khó có thể phục hồi Sa mạc Sahara hiếm hoi trở thành 'hồ nước xanh' sau nửa thế kỷ Sa mạc Sahara hiếm hoi trở thành "hồ nước xanh" sau nửa thế kỷ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước