Dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng băng biển ở Bắc Cực tiếp tục xuống các mức thấp kỷ lục mới, kéo theo tình trạng báo động về khí hậu và một loạt vấn đề khác.
Diện tích băng biển ở bắc cực năm nay thấp hơn 1,31 triệu km vuông so với mức trung bình từ năm 1981 đến năm 2010 là 15,64 triệu km vuông.
Theo trung tâm Dữ liệu Băng Tuyết Quốc gia Mỹ, băng biển tan chảy có tác động đến toàn thế giới, tạo điều kiện cho những hiện tượng như nắng nóng, hạn hán và lũ lụt dễ xảy ra hơn.
Thời tiết mùa hè sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc thu thập dữ liệu về mức độ băng biển tối thiểu. Nó cho thấy thế giới đã trải qua một năm thời tiết cực đoan hay không.
Nhà nghiên cứu khoa học cấp cao của NSIDC, ông Walt Meier, cảnh báo mức băng thấp kỷ lục mới là chỉ báo khác cho thấy băng biển Bắc Cực đã thay đổi cơ bản như thế nào so với những thập kỷ trước. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là con số này đánh dấu tình trạng mất băng biển liên tục kéo dài trong mọi mùa.
Tại Nam Cực, nơi đang trải qua mùa Hè, mức băng biển tối thiểu năm 2025 được ghi nhận vào ngày 1/3 vừa qua là 1,98 triệu km2, mức thấp kỷ lục thứ 2 và ngang với các năm 2022 và 2024.
Những con số này lặp lại cảnh báo tương tự trước đó của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng như Cơ quan Biến đổi Khí hậu của châu Âu Copernicus cho rằng tổng lượng băng biển Bắc Cực và Nam Cực đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 2 vừa qua.
Tình trạng băng tan nhanh được ghi nhận trong bối cảnh năm 2025 vừa ghi nhận tháng 1 nóng nhất trong lịch sử và tháng 2 nóng thứ 3 trong lịch sử. Trước đó, năm 2024 cũng được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử, bất chấp hình thái thời tiết La Nina vốn có tác dụng làm dịu nhiệt độ toàn cầu. Theo NOAA, dự báo trong tháng 4, hiện tượng La Nina sẽ kết thúc, nhường chỗ cho trạng thái trung tính kéo dài suốt mùa Hè ở Bắc Bán cầu.
Theo các nhà khoa học, mặc dù băng biển trôi không trực tiếp làm mực nước biển dâng cao nhưng sự biến mất của nó sẽ gây ra một loạt hậu quả về khí hậu, làm thay đổi các hình thái thời tiết, phá vỡ các dòng hải lưu, đe dọa các hệ sinh thái và cộng đồng loài người. Khi băng với bề mặt sáng nhường chỗ cho đại dương tối, năng lượng Mặt Trời sẽ hấp thụ vào nước biển thay vì phản xạ trở lại không gian. Kết quả là nước biển tiếp tục tăng nhiệt độ và thúc đẩy tốc độ tan băng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!