Một bãi biển ở Ewa trên đảo Nauru ở Thái Bình Dương. (Ảnh: AFP)
Chính phủ Nauru vừa triển khai chương trình "hộ chiếu vàng" với mục tiêu gây quỹ cho các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Quốc đảo rộng chỉ khoảng 20 km² này đang đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao, xói mòn bờ biển và bão mạnh.
Nauru hiện đang thiếu nguồn lực để tự bảo vệ mình trước cuộc khủng hoảng khí hậu mà phần lớn nguyên nhân đến từ các nước giàu. Theo chính quyền quốc đảo này, số tiền thu được từ chương trình sẽ giúp di dời 90% trong số 12.500 cư dân đến vùng đất cao hơn và xây dựng một cộng đồng mới.
Tổng thống Nauru David Adeang khẳng định: "Trong khi thế giới vẫn tranh luận về biến đổi khí hậu, chúng tôi phải chủ động đảm bảo tương lai của đất nước".
Nauru nằm ở phía đông bắc của Australia và phía tây bắc của Tuvalu, nổi tiếng với lịch sử khai thác phosphat và vị trí địa chính trị độc đáo. (Ảnh: Getty Images)
Chương trình bán quyền công dân của Nauru có giá khởi điểm 105.000 USD. Người mua sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh 89 quốc gia, bao gồm Anh, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và UAE. Tuy nhiên, các cá nhân có tiền án nghiêm trọng sẽ bị từ chối.
Mặc dù những người mua hộ chiếu có thể không bao giờ đặt chân đến Nauru, nhưng quyền công dân mang lại lợi ích lớn về đi lại quốc tế, đặc biệt đối với những người đến từ các quốc gia có hộ chiếu kém quyền lực.
Việc bán hộ chiếu là một phần trong nỗ lực tìm kiếm nguồn thu mới của Nauru. Trước đây, quốc gia này từng giàu có nhờ khai thác phosphat, nhưng tài nguyên này đã cạn kiệt từ đầu những năm 2000. Điều này khiến 80% diện tích đảo không thể sinh sống, buộc người dân phải tập trung dọc theo bờ biển, nơi chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu.
Sau khi khai thác phosphat suy giảm, Nauru đã thử nhiều cách để tạo nguồn thu, bao gồm việc trở thành trung tâm giam giữ người di cư cho Australia. Gần đây, nước này còn tham gia vào kế hoạch khai thác tài nguyên từ đáy biển sâu - một đề xuất gây nhiều tranh cãi.
Một địa điểm khai thác phosphat hiện đã cạn kiệt, để lại một địa hình cằn cỗi với những đỉnh núi đá vôi ở Nauru. (Ảnh: Getty Images)
Chính phủ Nauru kỳ vọng sẽ thu về 5,6 triệu USD trong năm đầu tiên của chương trình và dần nâng con số này lên 42 triệu USD mỗi năm, đóng góp khoảng 19% tổng thu ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng thành công của chương trình sẽ phụ thuộc vào việc quản lý nguồn thu, đảm bảo tính minh bạch và ngăn chặn việc lạm dụng hộ chiếu cho mục đích xấu.
Nauru cam kết kiểm soát chặt chẽ quy trình xét duyệt, loại trừ công dân từ các quốc gia có rủi ro cao theo danh sách của Liên hợp quốc, bao gồm Nga và Triều Tiên.
Nauru không phải là quốc gia đầu tiên bán quyền công dân để tài trợ cho các dự án khí hậu. Dominica, một quốc gia vùng Caribbean, đã sử dụng doanh thu từ chương trình hộ chiếu vàng để thực hiện cam kết trở thành quốc gia "chống chịu khí hậu" đầu tiên vào năm 2030.
Trong bối cảnh các quốc gia nhỏ đang gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu nhưng không nhận được đủ hỗ trợ tài chính quốc tế, mô hình của Nauru có thể trở thành xu hướng mà các nước khác cân nhắc áp dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!