3 năm qua, cuộc chiến này không chỉ dừng lại ở những chuỗi ngày giằng co trên chiến trường, mà còn trở thành cuộc đối đầu toàn diện giữa Nga và các nước phương Tây. Trong suốt thời gian đó, nhiều người đều đã đặt câu hỏi: "Bao giờ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine kết thúc?" mà không ai có thể trả lời, nếu nhìn vào cục diện chiến trường.
Thế nhưng, tình hình đang biến chuyển rất nhanh. Chỉ trong một tuần, sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ, cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao Nga -Mỹ… đã mở ra hy vọng về giải quyết xung đột vũ trang hao người, tốn của.
Giờ đây, câu hỏi không còn là "Bao giờ cuộc chiến kết thúc?" mà đã chuyển sang thành "Cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ kết thúc như thế nào"?
Bom đạn, tên lửa vẫn đang nổ trên cả lãnh thổ hai quốc gia
Sau 3 năm, Nga đã kiểm soát và sáp nhập được 4 vùng của Ukraine là Kherson, Donetsk, Zaporizhia và Luhansk, tạo được vành đai an toàn dọc biên giới phía Tây. Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine.
Về phía Kiev, quân đội nước này dù yếu thế hơn, nhưng vẫn tiến hành những cuộc tấn công nhỏ lẻ táo bạo nhằm vào các mục tiêu ở bên trong lãnh thổ Nga, và đặc biệt là tại tỉnh Kursk.
Để duy trì cuộc chiến, Ukraine nhận được sự hỗ trợ vũ khí, khí tài hiện đại của các nước phương Tây. Tổng cộng, Mỹ và EU đã thông qua các khoản viện trợ hơn 300 tỷ USD cho chính quyền Tổng thống Zelensky. Riêng EU, 3 năm qua, khối này đã công bố tổng cộng 16 vòng trừng phạt nhằm làm suy yếu Nga.
Các vòng đàm phán hòa bình, đề xuất ngừng bắn, sáng kiến giải quyết xung đột… đều thất bại. Nhiều lằn ranh đỏ được đặt ra, nhưng đã bị vượt qua. Cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine đã trở thành cuộc chiến chết chóc nhất tại châu Âu kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ 2.
Một nhà ở Ukraine trúng không kích của lực lượng Nga. (Ảnh: NBC News)
Xúc tiến đàm phán hòa bình Nga - Ukraine
Rõ ràng, cả Nga và Ukraine đều có lý do để kết thúc cuộc chiến. Nhưng cần có tác động từ bên ngoài và trên chiến trường và cú hích đó tới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã từng tuyên bố rầm rộ trước đó rằng sẽ chấm dứt được chiến tranh Ukraine "trong vòng 24 giờ" sau khi nhậm chức.
Mỹ là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Vì vậy việc Mỹ có ý chí chính trị muốn chấm dứt chiến tranh là điều vô cùng quan trọng. Nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của châu Âu trong tiến trình này.
Lãnh đạo Nga - Mỹ đều hài lòng với kết quả đạt được sau cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước tại Saudi Arabia hôm 18/2. Thông điệp được đưa ra là quan hệ Nga-Mỹ đang ấm lên. Hai nước nhất trí bắt đầu xúc tiến đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Nga – Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: "Nếu không tăng mức độ tin cậy giữa Nga và Mỹ thì không thể giải quyết được nhiều vấn đề, bao gồm cả cuộc khủng hoảng Ukraine. Tôi có thể xác nhận rằng phía Mỹ nhận định quá trình đàm phán sẽ diễn ra với sự tham gia của cả Moscow và Kiev. Còn đối với những bên tham gia khác, trước tiên, Nga chưa bao giờ từ chối liên lạc với châu Âu. Nga chưa bao giờ từ chối quá trình đàm phán với Ukraine. Chưa bao giờ".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp gỡ các quan chức cấp cao của chính quyền Trump tại Hội nghị An ninh Munich, ngày 12/2/2025. (Ảnh: Getty Images)
Với phía Mỹ, thời điểm hiện tại, Washington ưu tiên đàm phán với Nga. Ukraine và EU sẽ tham gia đàm phán vào thời điểm thích hợp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Châu Âu đã không thể mang lại hòa bình và ông Zelensky có lẽ còn muốn tiếp tục duy trì tình hình hiện nay. Tôi không biết vấn đề là gì. Nhưng ông Zelensky là Tổng thống Ukraine 3 năm qua. Thậm chí, chưa bao giờ có cuộc gặp hay cuộc điện thoại nào để ngăn chặn cuộc chiến này. Không thể chấm dứt chiến tranh nếu không đối thoại. Họ đã không đối thoại trong 3 năm rồi".
Diễn biến này khiến châu Âu bất ngờ và lo ngại bị gạt ra lề. Trong suốt 3 năm diễn ra cuộc xung đột vũ trang giữa Ukraine và Nga, châu Âu và Mỹ có chung lập trường đối phó Nga. Việc bị gạt ra khỏi khi tiến trình đàm phán có thể khiến lợi ích và an ninh của châu Âu bị ảnh hưởng.
Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, để hòa bình được công bằng và lâu dài, các cuộc đàm phán phải có sự tham gia tích cực của Ukraine và Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi hoan nghênh các cuộc đàm phán về hòa bình, nhưng cần phải rõ ràng. Điều đó không có nghĩa là có một nền hòa bình áp đặt và Ukraine phải chấp nhận những gì được trình bày".
EU cũng đang thảo luận về ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine sau khi xung đột kết thúc. Trong lúc này, thông điệp của EU là sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán.
Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics nhận định: "Nhiệm vụ chung của tất cả các nước Bắc Âu và Baltic, nhiệm vụ chung của châu Âu là làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng EU có thể cung cấp sự hỗ trợ cho Ukraine. Chúng ta sẽ phải mở hầu bao và huy động tối đa mọi nguồn lực có trong tay".
Hiện tại, EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 16 đối với Nga, áp dụng đúng ngày 24/2 - ngày cuộc chiến Ukraine tròn 3 năm.
Tuần tới, lần lượt Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ có chuyến thăm riêng rẽ tới Mỹ. Vấn đề đàm phán hòa bình Nga - Ukraine sẽ là một trong những nội dung thảo luận chính.
Nga nêu điều kiện chấm dứt xung đột
Nga khẳng định không tìm kiếm lệnh ngừng bắn tạm thời mà muốn một giải pháp toàn diện và lâu dài cho cuộc xung đột, giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thể hiện lập trường cứng rắn khi bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ với Kiev. Điện Kremlin cũng tuyên bố Nga không chấp nhận bất kỳ trao đổi lãnh thổ nào, điều mà Tổng thống Ukraine Zelensky từng đề xuất trước đó.
Từ trái sang phải: Tổng thống Ukraine Zelensky, Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin (Ảnh: AFP)
Vào cuối năm ngoái, Tổng thống Nga Putin từng khẳng định, Moscow sẵn sàng thỏa hiệp hợp lý về các vấn đề giải quyết xung đột Ukraine, nhưng không nhượng bộ hay trao đổi. Thỏa hiệp hợp lý ở đây, cũng theo các chuyên gia, không thể về lãnh thổ, bởi điều quan trọng nhất là nhu cầu của hàng triệu người Nga đang sống ở đó, càng không có sự thỏa hiệp trong viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO, bởi đây chính mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh của Nga cũng là nguyên nhân sâu xa của xung đột này.
Theo giới phân tích, nếu nói về một sự thỏa hiệp thì có thể là việc để ngỏ một con đường cho Ukraine gia nhập Liên minh Châu Âu, bởi trước khi các cuộc đàm phán hòa bình năm 2022 thất bại, các nhà đàm phán Nga đã đồng ý rằng có thể chấp nhận tư cách thành viên của Ukraine trong EU.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho rằng, cần một sự đảm bảo an ninh cho Ukraine để có một nền hòa bình lâu dài. Các nước châu Âu phải đóng vai trò chủ đạo trong sự đảm bảo đó, nhưng cần có sự hỗ trợ từ Mỹ. Bởi vì chỉ có Mỹ mới có thể cung cấp sự răn đe, đảm bảo các cuộc tấn công của Nga không lặp lại trong tương lai.
Việc Mỹ - quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine - đã cùng thống nhất với phía Nga cần đàm phán chấm dứt chiến sự - đang mở ra hướng đi mới giải quyết cuộc xung đột vũ trang giữa Moscow - Kiev.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!