Theo báo cáo của WHO, khoảng 99% dân số toàn cầu tiếp xúc với không khí không đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của tổ chức này, tại một số thời điểm. Cơ quan y tế của Liên hợp quốc ước tính rằng không khí ô nhiễm - chứa đầy khí độc hoặc các hạt nhỏ - vô hình xâm nhập vào cơ thể con người, cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm.
Các chất gây ô nhiễm không khí thường đến từ việc đốt cháy những thứ như than, khí đốt tự nhiên, dầu diesel và xăng để sản xuất điện và phục vụ vận tải, hoặc do cháy rừng, cũng như từ hoạt động nông nghiệp.
Theo một báo cáo gần đây, ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ lớn thứ hai gây tử vong sớm trên toàn cầu, sau huyết áp cao. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian ngắn có thể gây ra các cơn hen suyễn và làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, đặc biệt là ở người cao tuổi hoặc những người có vấn đề về sức khỏe.
Việc tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim và phổi có khả năng dẫn đến tử vong, bao gồm bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và nhiễm trùng phổi.
Anh Pakaphol Asavakomolnant - ở thành phố Bangkok, Thái Lan - chia sẻ: "Đối với tôi, điều khá dễ nhận thấy là tôi thường xuyên bị ốm hơn trong những ngày này. Tôi bị đau họng, khi tôi đi làm vào buổi sáng mà quên đeo khẩu trang. Điều đó ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của tôi".
Bà Eliane Luthi - thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) - cho biết: "Những đứa trẻ sống trong cảnh nghèo đói, không đủ khả năng mua bếp nấu không gây ô nhiễm, không đủ khả năng mua khẩu trang, không đủ khả năng mua máy lọc không khí. Chúng là những đứa trẻ đang phải trả giá cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí. Và những đứa trẻ này đang phải trả giá bằng sức khỏe, bằng học vấn và bằng chính tương lai của chúng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!