Ông Trump ký các sắc lệnh hành pháp ngay sau lễ nhậm chức tại Washington vào ngày 20/1 (Ảnh: AP)
Tổng chưởng lý từ 22 bang đã đệ đơn kiện ông Trump tại hai tòa án liên bang, cáo buộc rằng tân Tổng thống đã vi phạm Hiến pháp Mỹ. Đơn kiện nhằm ngăn chặn thi hành sắc lệnh hành pháp không công nhận quyền "sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ" của ông Trump.
Cụ thể, 18 bang và cùng với thủ đô Washington và thành phố San Francisco đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang Massachusetts. Trong khi 4 tiểu bang khác đệ đơn kiện tại tòa án ở bang Washington.
Ngoài ra, Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU), các tổ chức bảo vệ quyền của người nhập cư và một phụ nữ mang thai cũng đệ đơn kiện chỉ vài giờ sau khi ông Trump ký sắc lệnh, khởi đầu cuộc chiến pháp lý lớn đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống này.
Một cuộc biểu tình phản đối chính sách thắt chặt nhập cư của ông Trump, ngày 20/1/2025 (Ảnh: AP)
Sắc lệnh hành pháp dài khoảng 700 từ của ông Trump, được ban hành vào cuối ngày 20/1, hiện thực hóa điều mà ông đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Nhưng liệu nó có thành công hay không vẫn còn chưa chắc chắn trong bối cảnh có khả năng xảy ra một cuộc chiến pháp lý kéo dài về chính sách nhập cư của Tổng thống và quyền công dân theo Hiến pháp.
Các Tổng chưởng lý đảng Dân chủ và những người ủng hộ quyền của người nhập cư cho rằng, mặc dù Tổng thống có thẩm quyền rộng rãi, nhưng ông không phải là "vua".
"Tổng thống không thể, chỉ bằng một nét bút, xóa bỏ Tu chính án thứ 14, chấm hết", Tổng chưởng lý New Jersey Matt Platkin bày tỏ quan điểm.
Nhà Trắng cho biết họ đã sẵn sàng đối mặt với các tiểu bang tại tòa án và gọi các vụ kiện là "sự mở rộng phản kháng của phe cánh tả".
Ông William Tong, là người Mỹ gốc Hoa đầu tiên được bầu làm Tổng chưởng lý bang Connecticut, cho biết vụ kiện này mang tính cá nhân đối với ông.
"Tu chính án thứ 14 nêu rõ ý nghĩa của nó, và ý nghĩa của nó là như vậy. Nếu bạn sinh ra trên đất Mỹ, bạn là người Mỹ. Chấm hết. Chấm hết", ông Tong nói.
Tu chính án thứ 14 được thông qua sau nội chiến Mỹ, là một phần trong nỗ lực bảo vệ quyền lợi của những người từng là nô lệ và con cháu của họ.
Tu chính án nêu: "Tất cả những người được sinh ra ở Mỹ hoặc nhập quốc tịch Mỹ… đều là công dân Mỹ và là công dân của tiểu bang nơi họ sinh sống".
Sắc lệnh của ông Trump sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi ông ký. Khi đặt bút ký, ông thừa nhận sắc lệnh có thể phải đối mặt với các thách thức pháp lý.
Ông Trump tuyên bố Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới cấp quyền công dân theo nơi sinh. Nhưng trên thực tế đây là tuyên bố sai lầm vì Mỹ nằm trong số khoảng 30 quốc gia áp dụng quyền công dân theo nơi sinh (nguyên tắc jus soli hay "quyền của đất đai"). Hầu hết các quốc gia này đều ở Châu Mỹ, trong đó có Canada và Mexico.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump ngày 21/1 đã ký một sắc lệnh diễn giải lại quyền công dân theo nơi sinh, một nguyên tắc đã được công nhận tại Mỹ trong hơn 150 năm qua.
Quyền công dân theo nơi sinh được luật pháp Mỹ quy định rằng bất kỳ ai sinh ra tại Mỹ đều được coi là công dân Mỹ, điều này bắt nguồn từ Điều khoản Công dân của Tu chính án thứ 14 được bổ sung vào Hiến pháp năm 1868. Tu chính án thứ 14 nêu rõ: "Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Mỹ và chịu sự quản lý của Mỹ đều là công dân của Mỹ và của Tiểu bang nơi họ cư trú". Đạo luật Di trú và Quốc tịch năm 1952 cũng định nghĩa công dân Mỹ và sử dụng ngôn từ tương tự.
Theo ước tính của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ tính đến tháng 1/2022, trong khi một số nhà phân tích đưa ra con số 13 triệu - 14 triệu. Những đứa con sinh ra tại Mỹ của họ được chính phủ coi là có quốc tịch Mỹ.
Tổng thống Trump đã phàn nàn về việc phụ nữ nước ngoài đến Mỹ với mục đích sinh con, để lấy quốc tịch Mỹ cho con cái của họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!