Phát hiện sớm viêm não tự miễn ở trẻ giúp hạn chế di chứng nguy hiểm

Linh Chi, icon
06:36 ngày 14/04/2025

bangdatally.xyz - Viêm não tự miễn là tình trạng tổn thương não liên quan cơ chế tự miễn dịch của trẻ, gây ra các biểu hiện bất thường về hành vi, nhận thức, trí nhớ, ngôn ngữ, co giật...

Hình minh họa.

BSCKII. Phạm Hải Uyên - Phó Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Bệnh viêm não tự miễn không phải là một bệnh phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên những năm gần đây, tỷ lệ phát hiện bệnh có xu hướng tăng lên bởi sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán, nhất là kỹ thuật xét nghiệm kháng thể đặc hiệu trong dịch não tủy và huyết thanh.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trung bình mỗi năm tiếp nhận và điều trị khoảng 60-120 trường hợp viêm não tự miễn. Bệnh diễn tiến nhanh và phức tạp, mức độ nguy hiểm của bệnh rất cao nếu không được phát hiện sớm. Đặc biệt, bệnh có nguy cơ tiến triển nặng, dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong. Theo dữ liệu từ Tạp chí Thần kinh lâm sàng (JCN), tỷ lệ tử vong chung dao động từ 6-19%.

Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa được xác định rõ ràng, nhưng có thể liên quan đến: Di truyền hoặc cơ địa dị ứng-miễn dịch. Tác nhân kích hoạt miễn dịch, như nhiễm virus trước đó. Rối loạn hệ miễn dịch tự nhiên. Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân rõ ràng

Đặc điểm nhận diện của bệnh gồm: Bệnh khởi phát từ từ, có thể trong vòng 3 tháng với các biểu hiện thay đổi hành vi tâm thần, rối loạn nhận thức, ít nói dần cho đến mất ngôn ngữ, co giật, cử động bất thường, rối loạn giấc ngủ… Các biểu hiện sẽ tăng dần, trẻ có thể kèm theo sốt hoặc không.

Trẻ vẫn có khả năng hồi phục tốt nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Ngược lại, trẻ có thể gặp nhiều hệ lụy nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần như:

- Di chứng thần kinh lâu dài như động kinh, yếu liệt chi, suy giảm trí nhớ, hoặc rối loạn hành vi, cảm xúc.

- Rối loạn vận động như co cứng cơ…

- Rối loạn hành vi tâm thần, sa sút trí tuệ ở trẻ lớn nếu vùng não liên quan đến trí nhớ và hành vi bị tổn thương

- Trong những trường hợp nặng, trẻ có thể rơi vào hôn mê sâu, suy hô hấp và tử vong nếu tổn thương lan rộng và không được can thiệp kịp thời.

Bác sĩ Hải Uyên khuyến cáo: Các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh nhi thăm khám khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất thường. Điều này góp phần hạn chế các di chứng và cải thiện tiên lượng cho trẻ, gánh nặng chi phí cũng như tâm lý cho gia đình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục