Mắc bệnh hiếm xơ cứng bì nhưng bị chẩn đoán nhầm với viêm da cơ địa

P.V, icon
06:57 ngày 01/04/2025

bangdatally.xyz - Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa chẩn đoán chính xác ca bệnh hiếm xơ cứng bì cho nam bệnh nhân 61 tuổi.

Bệnh nhân mắc bệnh xơ cứng bì hiếm gặp.

Suốt 5 năm qua, bệnh nhân P.V.N. (61 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cảm nhận làn da có sự thay đổi. Càng lúc, da của bệnh nhân càng cứng, dày thêm. Điều đáng nói là 7 anh chị em trong gia đình của bệnh nhân không ai có biểu hiện trên da lạ như vậy.

Thỉnh thoảng, bệnh nhân còn bị đau khớp. Mỗi khi lên cơn đau khớp, bệnh nhân tự mua thuốc về nhà uống và cảm thấy bớt đau. Sau khi đến nhiều cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa da liễu để được thăm khám, chữa trị, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm da cơ địa. Mất rất nhiều thời gian và chi phí chữa trị nhưng không khỏi bệnh, bệnh nhân quyết tâm đi tìm nguyên nhân.

Khi đến Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh nhân bị đau khớp háng, đùi trái, da xơ cứng toàn thân. Qua chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân bị viêm mô tế bào đùi trái kèm theo viêm khớp háng trái. Các bác sĩ tiến hành thăm khám toàn diện và cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu của cơ xương khớp, bệnh lý tự miễn. Kết quả, bệnh nhân bị xơ cứng bì toàn thể có tổn thương khớp. Từ đó, các bác sĩ kịp thời khởi động phác đồ điều trị bệnh này cho bệnh nhân.

BSCKI. Huỳnh Thị Thùy Trang, Phó Khoa Nội cơ xương khớp chia sẻ: "Do không được điều trị xơ cứng bì toàn thể sớm nên để chẩn đoán chính xác, chúng tôi cho bệnh nhân tầm soát thêm siêu âm tim, đo phế dung kế (kiểm tra chức năng phổi), chụp CT-Scan ngực… để xác định bệnh nhân có bị tổn thương các cơ quan nào khác ngoài khớp và da. May mắn, bệnh nhân chưa gặp biến chứng lên nhiều cơ quan nên việc điều trị cho bệnh nhân theo đúng phác đồ của bệnh xơ cứng bì toàn thể".

Sau hơn 1 tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhân dần hồi phục, bệnh nhân đã đi lại dễ dàng, ăn uống bình thường. Sau đó, bệnh nhân được xuất viện và hẹn lịch tái khám.

Xơ cứng bì toàn thể là bệnh lý tự miễn, mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng da dày và cứng. Ngoài ra, người bệnh còn bị rối loạn chức năng mạch máu lan rộng, xơ hóa tiến triển của da và nội tạng. Đây là bệnh hiếm gặp, tần suất mắc phải trên toàn cầu là khoảng 8 - 56 trường hợp trên 1 triệu người mỗi năm.

ThS.BSCKII Dương Minh Trí, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp cho biết: Bệnh hiếm này có thể ảnh hưởng lên da, khớp, mạch máu ở chi, đường tiêu hóa, phổi, tim mạch, thận, thần kinh cơ, hệ sinh dục. Nguy cơ tử vong gấp 4 lần so với người bình thường. Việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời bệnh xơ cứng bì toàn thể sẽ giúp người bệnh phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để hạn chế các biến chứng và phòng ngừa bệnh xơ cứng bì, chúng ta cần xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao. Điều này giúp máu lưu thông dễ dàng, giảm tình trạng xơ cứng da. Ngoài ra, không hút thuốc lá vì chất nicotine có trong thuốc lá sẽ làm co mạch máu, khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Hút thuốc lá còn khiến các mạch máu bị hẹp vĩnh viễn, làm trầm trọng các vấn đề ở phổi. Nên bảo vệ da bằng kem dưỡng, kem chống nắng, tránh tắm nước quá nóng hay dùng các loại xà phòng có chất tẩy rửa mạnh. Đồng thời, đeo găng tay để bảo vệ da khỏi thời tiết lạnh, ngay cả khi sử dụng tủ lạnh. Nếu cần ra ngoài khi thời tiết lạnh, hãy che phủ mặt và đầu cẩn thận. Còn về chế độ dinh dưỡng, nên hạn chế ăn mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục