Lưu ý trong điều trị tắc lệ đạo

icon
10:48 ngày 20/10/2012

Tắc lệ đạo là một bệnh về mắt gây triệu chứng chảy nước mắt thường xuyên, khiến người mắc có cảm giác rất khó chịu, có thể gây đau nhức, nhiễm khuẩn, dẫn đến viêm túi lệ mãn tính.

Khi bị viêm túi lệ mà không được điều trị kịp thời, trẻ sẽ thấy đau nhức, khó chịu. (Ảnh minh họa)

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành viêm cấp tính. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về bệnh liên quan đến mắt này trong bài viết sau đây.

Lệ đạo là ống thoát nước mắt dẫn từ góc trong của mi mắt dưới đến khe mũi dưới. Tắc lệ đạo có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào, nhưng hay tắc nhất là ống lệ mũi làm cho nước mắt không được dẫn xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài, gây chảy nước mắt thường xuyên. Nếu thời gian tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây nhiễm khuẩn, làm túi lệ bị viêm. Khi đó, bệnh nhân sẽ thấy đau nhức.

Nếu tắc lệ đạo bẩm sinh, ngoài việc chẩn đoán đúng bệnh, bác sĩ còn phải xác định chính xác nguyên nhân chảy nước mắt để loại trừ các bệnh viêm nhiễm khác trong mắt. Biện pháp điều trị có thể là day, nắn vùng góc trong mắt, nơi có túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ mắt và uống. Nhiều trẻ đã phục hồi thông hoàn toàn khi được điều trị bằng biện pháp này.

Đến khi trẻ được 2-3 tháng tuổi, nếu vẫn không hết chảy nước mắt thì có thể bơm rửa và thông lệ đạo, giúp cho nước mắt lưu thông xuống mũi. 4 - 6 tháng tuổi mới là thời gian để thông lệ đạo tốt nhất, vì nếu để đến trên 1 tuổi thì kết quả thông lệ đạo rất thấp. Khi đó, bệnh nhân thường phải chờ đợi để có thể phẫu thuật, tạo đường thông lệ đạo mới.
Cùng chuyên mục