Giành giật sự sống cho 3 người bệnh ngừng tuần hoàn

P.V, icon
12:25 ngày 28/02/2025

bangdatally.xyz - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E vừa tiến hành can thiệp cấp cứu thành công cho 3 trường hợp người bệnh bị ngừng tuần hoàn.

Người bệnh may mắn đầu tiên được các bác sĩ cứu sống qua cửa tử trong gang tấc là nam giới, 40 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội, đến khám bệnh với triệu chứng đau âm ỉ vùng bụng tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu và Quốc tế. Khi đang chờ khám, người bệnh đột nhiên ngất xỉu và rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn.

Ngay lập tức, nút "báo động đỏ" được kích hoạt, huy động lực lượng cấp cứu từ nhiều chuyên khoa của bệnh viện như cấp cứu, hồi sức tích cực, tim mạch... Các bác sĩ nhanh chóng thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR), theo dõi điện tim, đánh giá huyết động và hô hấp.

Chẩn đoán ban đầu cho thấy, người bệnh bị nhồi máu cơ tim biến chứng sốc tim, ngừng tuần hoàn và suy hô hấp. Người bệnh được chuyển sang Trung tâm Tim mạch, các bác sĩ tiến hành chụp động mạch vành và tái thông động mạch bị tắc.

Nhờ quy trình cấp cứu nhanh chóng, chỉ trong vài chục phút (thời gian cửa bóng < 60 phút theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Mỹ), dòng máu được tái lưu thông. Kết quả chụp mạch vành xác định người bệnh bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước. Sau can thiệp, người bệnh dần tỉnh lại, huyết động ổn định và tiếp tục được theo dõi.

Giành giật sự sống cho 3 người bệnh ngừng tuần hoàn - Ảnh 1.

Sau ca cấp cứu đầu tiên, tiếng còi xe cấp cứu vang lên, đưa một người bệnh nam (41 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện sau tai nạn giao thông. Người bệnh gặp nạn khi đang giao hàng dưới trời mưa rét, cảm thấy choáng váng và đâm vào tường. Khi nhập viện, người bệnh trong tình trạng lơ mơ, mất ý thức, mặt mũi trầy xước và chảy máu.

Các bác sĩ nhanh chóng kiểm tra và phát hiện nhịp tim bất thường của người bệnh lên đến 170 lần/phút (bình thường 60-100 lần/phút), huyết động biến động… gây thiếu máu não nghiêm trọng. Sau khi loại trừ chấn thương sọ não qua chụp CT, các bác sĩ nhận định người bệnh bị rối loạn nhịp tim nặng do viêm cơ tim.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hải - Khoa Cấp cứu đã hội chẩn với ThS.BSCKII. Lý Đức Ngọc – Phó trưởng Khoa Nội Tim mạch người lớn và quyết định sốc điện chuyển nhịp để khôi phục nhịp tim cho người bệnh. Sau thực hiện xử trí sốc điện chuyển nhịp, nhịp tim người bệnh chuyển sang nhịp xoang đều, huyết áp và mạch dần ổn định trở lại.

Xét nghiệm chuyên sâu cho thấy men tim tăng gấp hàng nghìn lần mức bình thường, không có tổn thương mạch vành. Các bác sĩ không loại trừ khả năng người bệnh bị ngừng tuần hoàn do viêm cơ tim biến chứng sau khi mắc cúm A, dẫn đến rối loạn nhịp nguy hiểm.

Bác sĩ Lý Đức Ngọc nhấn mạnh: "Nhiều người nghĩ cúm A chỉ gây viêm họng, ho, nhưng thực tế, virus này có thể tấn công cơ tim, gây viêm cơ tim cấp, suy tim, thậm chí ngừng tuần hoàn, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời".

Giành giật sự sống cho 3 người bệnh ngừng tuần hoàn - Ảnh 2.

Trường hợp thứ ba là ca bị ngừng tim đột ngột ở người bệnh lớn tuổi được các bác sĩ cứu sống thành công. Người bệnh nam (68 tuổi, Hà Nam) nhập viện trong tình trạng mất ý thức, ngừng tim, ngừng thở. Đây là một ca cấp cứu tối khẩn cấp vì nếu không can thiệp ngay, người bệnh có thể tử vong.

Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim nâng cao: nhấn ngực liên tục, sốc điện khử rung tim, đặt ống nội khí quản để kiểm soát đường thở, thở máy hỗ trợ hô hấp. Đồng thời, người bệnh được sử dụng thuốc kích thích tim, duy trì huyết áp, truyền dịch để đảm bảo thể tích lòng mạch và điều chỉnh rối loạn toan kiềm, điện giải và các rối loạn nhịp tim trong suốt quá trình cấp cứu. Nhờ nỗ lực không ngừng của các thầy thuốc, tim người bệnh đập trở lại, nhưng tình trạng vẫn rất nặng, cần theo dõi sát.

TS.BS Phan Thảo Nguyên, Phó Giám đốc Bệnh viện E, phụ trách Trung tâm Tim mạch cho biết: Nếu ngừng tuần hoàn được cấp cứu kịp thời, tim có thể đập lại. Nhưng sau cú sốc này, người bệnh vẫn có nguy cơ cao bị biến chứng nặng, cần đặt máy tạo nhịp và điều trị dài hạn. Điều đáng nói, người bệnh có tiền sử bệnh tim mạch mãn tính nhưng không khám định kỳ, dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Đây là bài học quan trọng về việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện và phòng ngừa sớm các bệnh lý tim mạch.

"Với người bị nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, dẫn tới ngừng tim, ngừng tuần hoàn thì cứ mỗi phút chậm trễ, thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống", ThS.BSCKII. Nguyễn Thế Huy – Khoa Nội tim mạch người lớn cho hay. Cấp cứu đúng cách và kịp thời giúp bảo tồn các chức năng sống của người bệnh. Thời gian là tối quan trọng trong sơ cấp cứu, là mạng sống của người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thế Huy khuyến cáo: Người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ, nhất là người có nguy cơ cao (tiền sử bệnh tim, huyết áp cao, đái tháo đường)… Cần nhận diện dấu hiệu cảnh báo: Nếu có triệu chứng đau ngực, khó thở, hồi hộp, chóng mặt hoặc ngất xỉu, cần đến ngay cơ sở y tế. Sơ cứu kịp thời khi gặp người ngừng tim: Khi phát hiện người bị bất tỉnh, không có mạch đập, cần tiến hành ép tim ngay và gọi cấp cứu 115. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục