Giải pháp cho "cuộc khủng hoảng giấc ngủ" toàn cầu

Tuân Phong (Theo NatGeo và Fortune), icon
08:23 ngày 06/04/2025

bangdatally.xyz - Những căng thẳng trong cuộc sống, công việc, thay đổi thời tiết, sự lạm dụng các thiết bị điện tử… đều góp phần khiến cho một giấc ngủ ngon, đủ giấc trở nên khó khăn.

Thiếu ngủ, khó ngủ, chất lượng giấc ngủ kém là những vấn đề ngày càng phổ biến với bất kỳ lứa tuổi nào.

Tình trạng báo động về chất lượng giấc ngủ

Cuộc khảo sát giấc ngủ toàn cầu thường niên lần thứ 5 do Công ty Công nghệ sức khỏe Resmed thực hiện đã phát hiện ra rằng, trong số hơn 30.000 người được hỏi trên toàn thế giới, 29% số người gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ ba lần trở lên mỗi tuần, trong khi 34% gặp khó khăn trong việc chìm vào giấc ngủ ngay từ đầu.

Trên toàn cầu, 71% số người được hỏi từng xin nghỉ ốm do thiếu ngủ ít nhất một lần trong sự nghiệp của họ, với tỷ lệ cao nhất ở Ấn Độ (94%), tiếp theo là Trung Quốc (78%), Singapore (73%) và Hoa Kỳ (70%). Resmed phát hiện ra rằng, 31% số người đi làm phải đối mặt với tình trạng không thể tập trung sau một đêm ngủ kém, điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất và gần một nửa (47%) người được khảo sát cảm thấy rằng sức khỏe giấc ngủ của họ không phải là ưu tiên của phía sử dụng lao động.

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng giấc ngủ toàn cầu - Ảnh 1.

Ngủ ngon và đủ giấc mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe

Việc thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ, với gần 2 trong số 10 cặp đôi (chiếm tỷ lệ 18%) cho biết họ đã chọn "ly hôn giấc ngủ", tức là ngủ ở các phòng riêng, như một cách để cố gắng có được những đêm nghỉ ngơi thoải mái hơn. Ở Hoa Kỳ, 50% các cặp đôi thỉnh thoảng chọn ngủ riêng. Và trong khi 65% báo cáo rằng điều này giúp họ nghỉ ngơi tốt hơn, thì 30% cảm thấy điều này làm mối quan hệ của họ xấu đi.

Sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng khi thiếu ngủ. Mặc dù thừa nhận vấn đề này, cuộc khảo sát phát hiện ra rằng nhiều người chỉ đơn giản là cam chịu với khoảng 22% không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ hay nỗ lực thay đổi, khiến cho sức khỏe thể chất, tinh thần ngày một tệ đi. Những phát hiện gần đây theo nghiên cứu từ gần 47.000 người ở Hoa Kỳ - được công bố trên Tạp chí JAMA Network Open - tình trạng thiếu ngủ có liên quan đến việc tăng 29% nguy cơ tử vong.

Du lịch để có giấc ngủ ngon - xu hướng ngày càng được ưa chuộng

Theo National Geographic, trong tình trạng được gọi là cuộc khủng hoảng giấc ngủ, một giấc ngủ ngon kéo dài 8 tiếng đã trở thành một thứ xa xỉ được săn đón và được một bộ phận không nhỏ người dân sẵn sàng mạnh tay chi trả để được tận hưởng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi mong muốn chung về một giấc ngủ ngon đã thúc đẩy một loại hình du lịch mới và đang bùng nổ: du lịch giấc ngủ.

Du lịch ngủ là một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ, nơi mà việc có một giấc ngủ ngon là ưu tiên số một. Du lịch ngủ không chỉ dừng lại ở việc được cung cấp không gian thoải mái, dễ chịu, những chỗ ngủ với chất lượng đỉnh cao đến từ chất liệu mền, ga, gối… mà có ý nghĩa rộng hơn là những trải nghiệm nghỉ dưỡng phong phú, trong đó việc cải thiện giấc ngủ là cốt lõi. Cho dù đó là một kỳ nghỉ để có không gian riêng thư giãn, giúp ngủ ngon, một kỳ nghỉ do bác sĩ chỉ định, nơi thực hiện các vấn đề liên quan đến chẩn đoán và điều trị hoặc một tận hưởng các liệu pháp spa giúp ngủ ngon hàng ngày. Đáng chú ý nhất, đây là một xu hướng sẽ tồn tại lâu dài. Trên thực tế, một báo cáo năm 2024 của HTF Market Intelligence cho thấy, lĩnh vực này trên toàn thế giới có giá trị hơn 690 USD và dự kiến ​​sẽ tăng thêm 400 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến năm 2028.

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng giấc ngủ toàn cầu - Ảnh 2.

Các khu nghỉ dưỡng đang chú trọng mang đến những dịch vụ để tối ưu hóa chất lượng giấc ngủ cho du khách (Ảnh: Santani)

Sự tăng trưởng này là một phần của sự thay đổi lớn hơn, hướng tới việc xem xét sức khỏe theo góc nhìn toàn diện hơn. Charlie Morley, một chuyên gia về giấc ngủ và giấc mơ đã viết 4 cuốn sách về chủ đề này, cho biết, khi hợp tác làm việc với các khách sạn, ông nhận thấy rất nhiều người muốn tận dụng cơ hội đi du lịch nghỉ dưỡng để được giải phóng khỏi công việc, áp lực gia đình và để được ngủ ngon theo đúng nghĩa. Vì thế, hiện nay các khách sạn cũng rất chú trọng đến những phương pháp nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng giấc ngủ như có các lớp, các chuyên gia hướng dẫn thiền, yoga, thực hành chánh niệm… Du khách được khuyến khích ưu tiên tắm nắng buổi sáng để thiết lập lại nhịp sinh học và đi chân trần để cân bằng trường điện từ của cơ thể. Nhiều khách sạn còn dựa vào trí tuệ cổ xưa để cải thiện giấc ngủ như các phương pháp điều trị y học cổ truyền Trung Quốc tập trung vào việc kích thích các huyệt đạo cụ thể hay cung cấp các phương pháp điều trị giấc ngủ theo phương pháp Ayurvedic như một phần của chương trình nghỉ dưỡng.

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng giấc ngủ toàn cầu - Ảnh 3.

Sử dụng tinh dầu thơm là liệu pháp mang đến không gian thư giãn, dễ chịu góp phần cải thiện giấc ngủ (Ảnh: Pexels)

Đi ngủ vào giờ nào là tốt nhất?

Các chuyên gia cho biết, nhìn chung, những người đi ngủ trong khoảng từ 9h tối đến 11h tối có chất lượng giấc ngủ tốt hơn so với những người thức khuya hơn. Trong khi một số nghiên cứu khác cho thấy, những người thuộc nhóm "cú đêm" - những người thích đi ngủ muộn và thức dậy muộn - có thể có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cao hơn những người có thói quen ngủ sớm và dậy sớm.

Ngủ bao lâu là đủ?

Người trưởng thành được khuyên nên ngủ 7 - 9 tiếng mỗi đêm để có sức khỏe tốt. Đây có thể là căn cứ để xây dựng thời khóa biểu sinh hoạt phù hợp. Nếu bạn cần thức dậy lúc 7h sáng và muốn ngủ đủ 8 tiếng, hãy cố gắng đi ngủ lúc 11h tối. Ngoài ra, nên chú ý đến cảm giác, trạng thái của mình vào buổi sáng, thay vì chỉ chú ý đến thời gian ngủ. Nếu bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi, thiếu ngủ sau một tuần, hãy thử thay đổi thời gian đi ngủ của mình bằng cách ngủ thêm.

Một điều rất quan trọng, hãy tránh xa các thiết bị điện tử trước giờ ngủ để có giấc ngủ ngon hơn, sâu giấc hơn.

Loại quả có thể giảm nguy cơ ung thư, ngăn ngừa lão hóa và cải thiện chất lượng giấc ngủ Loại quả có thể giảm nguy cơ ung thư, ngăn ngừa lão hóa và cải thiện chất lượng giấc ngủ Bạn có đang mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn giấc ngủ? Bạn có đang mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn giấc ngủ? Cảnh báo rối loạn giấc ngủ do dùng điện thoại nhiều Cảnh báo rối loạn giấc ngủ do dùng điện thoại nhiều

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục