Cứu sống bé gái sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan

Văn Thành, icon
02:27 ngày 21/04/2025

bangdatally.xyz - Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) đã cứu sống bé gái 9 tuổi (Bến Tre) bị sốc sốt xuất huyết nặng, kèm theo rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa...

Bé gái được chăm sóc điều trị tích cực.

Theo người nhà cung cấp, bé bắt đầu sốt cao liên tục từ ngày đầu, điều trị tại nhà nhưng không thuyên giảm. Đến ngày thứ tư, bé xuất hiện đau bụng, nôn ra dịch lợn cợn mầu nâu và tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp tụt (70/50 mmHg).

Tại bệnh viện địa phương, bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng và khởi đầu truyền dịch chống sốc theo phác đồ. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ, tình trạng không cải thiện mà còn diễn tiến xấu đi với suy hô hấp, rối loạn đông máu và men gan tăng cao, buộc phải chuyển gấp lên tuyến trên.

Ngay khi nhập viện, các bác sĩ đã thực hiện đồng bộ các biện pháp hồi sức: truyền dextran 40 10% và albumin 10% để bù dịch tuần hoàn, kết hợp nhiều loại vận mạch theo dõi xâm lấn qua catheter động mạch, áp lực tĩnh mạch trung ương và áp lực bàng quang để duy trì huyết áp ổn định. Song song đó, bé được hỗ trợ hô hấp bằng CPAP, sau đó kịp thời đặt nội khí quản và chuyển sang thở máy xâm nhập khi suy hô hấp ngày càng nặng. Để giảm áp lực ổ bụng do tích tụ dịch, ekip còn thực hiện chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng, góp phần cải thiện thông khí và huyết động.

Rối loạn đông máu và xuất huyết nặng được xử trí tích cực với truyền máu toàn phần, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh và tiểu cầu đậm đặc, bổ sung thêm vitamin K1 nhằm tái lập cân bằng đông cầm máu. Trong khi đó, tổn thương gan do sốc và viêm gan virus cũng được điều trị bảo vệ tế bào gan, kiểm soát men gan, đồng thời theo dõi sát chức năng thận nhằm tránh biến chứng suy thận cấp.

Sau gần hai tuần can thiệp hồi sức đa phương thức, tình trạng lâm sàng của bé đã tiến triển rất tốt. Huyết động ổn định, không cần vận mạch, chức năng gan - thận về gần ngưỡng bình thường. Bé đã cai máy thở, tỉnh táo, ăn ngủ tốt và được chuyển về Khoa Nhi tổng quát để tiếp tục theo dõi trước khi xuất viện.

Trường hợp này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sốc sốt xuất huyết nặng, nhất là trong giai đoạn nguy hiểm (từ ngày 3 đến ngày 7 của bệnh). Phụ huynh cần hết sức cảnh giác khi trẻ sốt cao kéo dài, kèm theo bất kỳ dấu hiệu cảnh báo như đau bụng dữ dội, nôn nhiều, tay chân lạnh, li bì, chảy máu cam hoặc nôn ra máu, tiêu phân đen. Khi có các triệu chứng trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có khả năng hồi sức sớm để tránh diễn tiến nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống sốt xuất huyết vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu. Việc diệt muỗi, loại bỏ nơi sinh sản của lăng quăng, ngủ màn và sử dụng biện pháp chống muỗi cá nhân sẽ góp phần giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh. Khi chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, cộng đồng sẽ giảm thiểu được những ca bệnh nặng và biến chứng nguy hiểm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục