Cảnh giác với các bệnh lý vùng rốn ở trẻ sơ sinh

Tuấn Văn, icon
09:26 ngày 12/04/2025

bangdatally.xyz - Bệnh nhi N.G.M. (3 tháng tuổi, Hà Tĩnh) bị chảy dịch rốn kéo dài từ sau sinh.

Ban đầu, gia đình đã cho bé dùng kháng sinh uống tại nhà (không rõ loại), nhưng tình trạng không cải thiện mà còn chuyển sang chảy mủ, vùng rốn sưng đỏ, bé bú kém.

Tại Khoa Khám và điều trị tự nguyện, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, qua thăm khám và xét nghiệm, bé được chẩn đoán nhiễm trùng rốn do vi khuẩn tụ cầu, nguyên nhân ban đầu gây chảy dịch rốn kéo dài là polyp rốn. Bé được điều trị kháng sinh và cắt polyp rốn, sau 7 ngày tình trạng ổn định và xuất viện.

Theo ThS.BSNT Trần Thị Ánh, Khoa Khám và điều trị tự nguyện, bình thường, ở trẻ sơ sinh, khi cuống rốn khô lại và lành có thể có màu nâu, xám hoặc đen. Rốn sẽ không có vấn đề gì nếu được giữ khô và sạch, thường tự rụng sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp: rốn rỉ dịch, bị ẩm, hoặc có mủ trên bề mặt sau khi rụng, có thể là tình trạng nhiễm trùng rốn hoặc có bệnh lý rốn khác kèm theo như tồn tại ống niệu rốn, u hạt rốn...

Khi trẻ có dấu hiệu rốn rỉ dịch hoặc bị ẩm, vùng rốn cần được chăm sóc tại chỗ, rửa sạch mỗi ngày. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, đặc biệt đối với nhiễm trùng rốn, trẻ có thể xuất hiện tình trạng nhiễm trùng nặng, sốc nhiễm khuẩn, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Ánh lưu ý: Khi trẻ có một trong các dấu hiệu: sốt, bỏ bú, chân rốn và vùng quanh rốn sưng phồng, chảy mủ, có mùi hôi, trẻ khóc hoặc có vẻ đau khi chạm vào rốn hoặc vùng quanh rốn… Gia đình nên đưa bé đi khám ngay để được tư vấn về phương pháp chăm sóc và điều trị kịp thời cho bé.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục