Cảnh báo nguy cơ ngộ độc nấm: Dấu hiệu nhận diện nấm độc

Văn Thành, icon
02:22 ngày 21/04/2025

bangdatally.xyz - Theo thống kê, trên thế giới hiện đã xác định hơn 10.000 loài nấm, trong đó có hàng trăm loại chứa độc tố nguy hiểm.

Hình minh họa.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố trong một số loài nấm có thể thay đổi theo mùa, theo giai đoạn sinh trưởng hoặc theo điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Điều này lý giải vì sao cùng một loại nấm nhưng có thời điểm ăn không sao, có lúc lại gây ngộ độc nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều loài nấm độc có hình dạng rất giống nấm ăn thông thường, gây nhầm lẫn ngay cả với người có kinh nghiệm hoặc cán bộ y tế.

Việc xác định chính xác loài nấm độc thường phải dựa trên đặc điểm bào tử và soi kính hiển vi. Chính vì vậy, lời khuyên quan trọng nhất là không nên hái và ăn nấm mọc hoang trong tự nhiên để tránh rủi ro ngộ độc cho bản thân và gia đình.

Dấu hiệu nhận diện nấm độc

Một số đặc điểm có thể giúp cảnh giác với nấm độc:

Nấm có đầy đủ các bộ phận: mũ, phiến, cuống, vòng cuống và bao gốc.

Mũ nấm màu đỏ có vảy trắng, thân nấm màu hồng nhạt, sợi nấm phát sáng trong đêm.

Độc tố thường phân bố trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, cuống, bao gốc, vòng) và có thể thay đổi tùy môi trường sống hoặc thời điểm phát triển.

Trường hợp ngộ độc nghiêm trọng gần đây

Gần đây, một vụ ngộ độc nấm nghiêm trọng xảy ra tại Lai Châu tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo. Chiều ngày 10/4, một cặp vợ chồng trẻ đã lên rừng hái nấm có hình dáng tròn, thân dài, màu trắng để chế biến món ăn. Khoảng 12 giờ sau bữa ăn, cả hai đồng loạt xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa cấp tính như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói và nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu.

Tại đây, người chồng (21 tuổi) được xác định ngộ độc nấm nặng, suy gan cấp, rối loạn đông máu; người vợ (18 tuổi) cũng tổn thương gan, thận, rối loạn toan chuyển hóa. Do tình trạng chuyển biến xấu nhanh, cả hai được chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

Khi tiếp nhận, cả hai đều trong tình trạng hôn mê sâu, suy đa cơ quan, viêm gan tối cấp, rối loạn đông máu nặng - tiên lượng cực kỳ xấu. Bệnh nhân đang được hồi sức tích cực, lọc máu liên tục và điều trị bằng thuốc giải độc.

Những quan niệm sai lầm về nấm độc

Nhiều người dân vẫn dựa vào các kinh nghiệm truyền miệng để phân biệt nấm độc, tuy nhiên phần lớn trong số đó là sai lầm:

"Nấm độc có màu sặc sỡ": Thực tế, một số loại nấm cực độc như nấm tán trắng lại có màu trắng sữa, rất dễ nhầm với nấm ăn được.

"Nấm bị sâu bọ ăn là nấm không độc": Sâu bọ vẫn có thể ăn các loại nấm có độc tố mạnh.

"Thử cho động vật ăn trước": Một số nấm có tác dụng chậm, nên dù động vật không chết ngay cũng không đảm bảo an toàn cho người.

"Dùng bạc thử nấm": Độc tố trong nấm không tác dụng với bạc nên cách thử này hoàn toàn không chính xác.

Ngành Y tế khuyến cáo: Không thu hái, chế biến hoặc sử dụng nấm lạ, nấm mọc hoang dại trong tự nhiên nếu không có chuyên gia xác định rõ ràng. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc nấm như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức để được xử trí kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục