Cảnh báo bệnh sốt do chuột cắn: Hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong

Văn Thành, icon
02:23 ngày 21/04/2025

bangdatally.xyz - Dù là bệnh hiếm gặp, song sốt do chuột cắn vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Hình ảnh vết thương do chuột đồng cắn vào tay bệnh nhân.

Ghi nhận tại Bộ môn - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 103 cho thấy, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận không ít trường hợp sốt, viêm mô mềm do chuột cắn, trong đó có các ca điển hình xảy ra trong năm 2023 - 2024.

Hai bệnh nhân nam, 61 tuổi và 33 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, viêm tấy mô mềm tại vị trí bị chuột cắn. May mắn, cả hai đều được điều trị kháng sinh đúng hướng và xuất viện sau một tuần. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp y tế kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm nội tâm mạc, viêm màng não, suy đa tạng... với tỷ lệ tử vong có thể lên tới 10%.

Nguyên nhân gây bệnh

Sốt do chuột cắn chủ yếu do ba loại vi khuẩn: Streptobacillus moniliformis, Streptobacillus notomytis và Spirillum minus. Ở châu Á, bệnh thường được gọi là Sodoku (theo tiếng Nhật: "So" là chuột, "Doku" là độc), chủ yếu do S. minus gây ra. Vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết cắn, vết xước hoặc thậm chí qua thực phẩm, nước uống bị nhiễm phân chuột.

Triệu chứng thường gặp

Tùy theo tác nhân gây bệnh, người nhiễm có thể xuất hiện:

Sốt cao, đau cơ, đau khớp di chuyển, buồn nôn, viêm họng, nhức đầu (do S. moniliformis).

Vết thương có thể loét, phù nề, kèm nổi hạch (do S. minus).

Thời gian ủ bệnh từ vài ngày đến ba tuần sau tiếp xúc với chuột.

Biến chứng nguy hiểm

Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất là viêm nội tâm mạc - đặc biệt với S. moniliformis, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 53%. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, tổn thương gan thận hoặc suy đa cơ quan nếu không được điều trị đúng cách.

Điều trị và dự phòng

Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng kháng sinh nếu phát hiện sớm. Phác đồ thường dùng là tiêm tĩnh mạch Penicillin G hoặc Ceftriaxone trong vòng 2 tuần. Với người dị ứng penicillin, có thể thay thế bằng doxycycline.

Phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc trực tiếp với chuột hoặc môi trường có nguy cơ ô nhiễm từ chuột:

Không sử dụng nguồn nước, thực phẩm bị nghi nhiễm bẩn.

Luôn mang găng tay khi xử lý chuột tại phòng thí nghiệm, trang trại.

Người dân nông thôn nên đi ủng, tránh tiếp xúc với bụi rậm, hang hốc.

Trong trường hợp phơi nhiễm, có thể dùng kháng sinh dự phòng nhóm penicillin trong vòng 3 ngày (chỉ áp dụng với người nguy cơ cao).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục