Áp xe vú - Mối lo ngại của các bà mẹ sau sinh

Tuấn Văn, icon
09:37 ngày 15/04/2025

bangdatally.xyz - Áp xe vú là một trong những biến chứng hậu sản khiến nhiều bà mẹ lo lắng.

Hình minh hoạ.

Tại Khoa Phụ Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, nhiều trường hợp áp xe vú đã được điều trị thành công. Một trong những ca điển hình là bệnh nhân P.T.H. (36 tuổi, Hà Tĩnh), nhập viện trong tình trạng vú phải sưng, nóng, đỏ và đau. Qua thăm khám và xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc áp xe vú phải.

Bệnh nhân được theo dõi toàn trạng, làm các xét nghiệm cần thiết và điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Sau một ngày nhập viện, khối áp xe phát triển lớn, siêu âm cho thấy một ổ dịch mủ có kích thước 5x3 cm, CRP (chỉ số đo mức độ viêm chung trong cơ thể) tăng cao ở mức 89 mg/L. Các bác sĩ đã tiến hành rạch áp xe để giảm áp lực, giải phóng dịch mủ và lấy mẫu làm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn.

Sau khi rạch ổ áp xe, bệnh nhân tiếp tục được điều trị bằng kháng sinh, thay băng hàng ngày và hướng dẫn massage vú, vắt sữa để tránh tắc tuyến sữa.

Sau 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định, chỉ số CRP giảm còn 1,6 mg/L (mức bình thường từ 0 - 5 mg/L), siêu âm không còn khối khu trú. Bệnh nhân được xuất viện với sức khỏe tốt.

Các bác sĩ Khoa Phụ ngoại cho biết: Áp xe vú chủ yếu do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra, với tỷ lệ lên đến 93% trong giai đoạn tiết sữa. Ngoài giai đoạn này, các loại vi khuẩn khác như Staphylococcus coagulase cũng có thể là tác nhân gây bệnh. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm viêm vú hậu sản không được điều trị hiệu quả, viêm tắc tuyến sữa kéo dài và suy giảm miễn dịch.

Bệnh nhân mắc áp xe vú thường có biểu hiện sưng, nóng, đỏ và đau vú. Khi thăm khám, bác sĩ có thể phát hiện các khối mềm chứa dịch, hạch nách sưng đau và sữa có lẫn mủ. Siêu âm vú giúp phát hiện các ổ dịch bên trong mô vú, trong khi xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu trung tính và CRP tăng cao. Ngoài ra, chọc dò ổ viêm để lấy mủ xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn cũng là một phương pháp chẩn đoán quan trọng.

Để phòng tránh áp xe vú, các bà mẹ sau sinh cần chú ý đến các biện pháp chăm sóc vú đúng cách: Massage nhẹ nhàng bầu vú để đảm bảo ống dẫn sữa thông thoáng; Cho con bú ngay sau khi sinh, bú thường xuyên và đúng tư thế; Vệ sinh núm vú sạch sẽ trước và sau khi cho bú; Cho trẻ bú hết sữa từng bên một, vắt sạch sữa sau khi bú; Điều trị ngay khi có dấu hiệu tắc tia sữa để tránh biến chứng; Giữ gìn vệ sinh cá nhân và duy trì lối sống lành mạnh…

Áp xe vú là một biến chứng hậu sản nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Các bà mẹ sau sinh cần chủ động chăm sóc sức khỏe vú để đảm bảo nguồn sữa an toàn và duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ một cách thuận lợi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục