Vụ DJ đánh vợ: Vẫn có thể xử lý hình sự dù người vợ không tố cáo

Phùng Anh-Thứ bảy, ngày 12/04/2025 15:53 GMT+7

bangdatally.xyz- Theo Luật sư, dù người vợ rút đơn, không muốn tiếp tục tố cáo, điều này không làm chấm dứt trách nhiệm hình sự nếu cơ quan công an xác định có đủ căn cứ để xử lý.

Những ngày gần đây dư luận xôn xao về một video lan truyền trên mạng xã hội (MXH) ghi lại sự việc một nam DJ (tên thật là P NG.) bạo hành vợ ngay tại nhà riêng.

Trước sự việc gây bức xúc dư luận kể trên, luật sự Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, dựa trên đoạn video và các thông tin về sự việc, có thể nhận định hành vi của người chống có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong trường hợp này, việc hành hung lặp đi lặp lại và có sự ghi hình chứng cứ sẽ được xác định rõ mức độ thương tích và hành vi có tính "côn đồ". Điều này cho thấy hành vi của người chồng đã vượt qua giới hạn "hành động trong khuôn khổ nội bộ gia đình" mà trở thành hành vi phạm tội nghiêm trọng cần phải bị xử lý nghiêm khắc.

Vụ DJ đánh vợ: Vẫn có thể xử lý hình sự dù người vợ không tố cáo - Ảnh 1.

Hình ảnh nam DJ bạo hành vợ tại nhà riêng. (Ảnh cắt từ Video)

Nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội hình sự, người chồng vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi bạo lực gia đình.

Luật sư Tùng cho rằng, hành vi đánh đập liên tục không chỉ vi phạm pháp luật hình sự mà còn vi phạm các quy định về bảo vệ người trong gia đình theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là hành vi làm mất tính mạng, danh dự và sức khỏe tinh thần của người bị hại, đồng thời vi phạm các giá trị đạo đức xã hội.

Trong trường hợp nạn nhân hòa giải và không kiện tụng gì nữa, Luât sư Tùng phân tích, theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, một số tội danh chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Ví dụ, tội Cố ý gây thương tích với tỷ lệ thương tật dưới 11% và không có tình tiết tăng nặng là loại tội phạm khởi tố theo yêu cầu của nạn nhân. Trong trường hợp này, nếu người bị hại rút đơn, cơ quan điều tra có thể đình chỉ vụ án.

Tuy nhiên, nhiều hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là những vụ việc có dấu hiệu bạo lực gia đình, gây mất trật tự công cộng hoặc mang tính chất côn đồ, không phụ thuộc vào việc nạn nhân có yêu cầu khởi tố hay không.

Đối với tội Cố ý gây thương tích có các tình tiết định khung tăng nặng như: phạm tội đối với người thân, mang tính chất côn đồ, hành vi tái phạm nhiều lần, có chứng cứ rõ ràng (ví dụ như video ghi lại sự việc), hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội... thì cơ quan điều tra có thể khởi tố và xử lý hình sự dù người bị hại không có đơn yêu cầu hoặc đã rút đơn.

Việc chấp nhận "hòa giải" trong những vụ việc này không đồng nghĩa với việc tha thứ hay miễn trách nhiệm pháp lý cho người vi phạm, mà chủ yếu là nhằm hỗ trợ nạn nhân và phòng ngừa nguy cơ tái diễn hành vi bạo lực.

Vì vậy, trong vụ việc liên quan đến nam DJ này, dù người vợ rút đơn và không muốn tiếp tục tố cáo, điều này không làm chấm dứt trách nhiệm hình sự nếu cơ quan công an xác định có đủ căn cứ để xử lý theo quy định pháp luật.

Liên quan đến sự việc này, vào chiều 11/4, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Chủ tịch UBND xã Thiên Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, tối 10/4, Công an xã đã tiếp nhận tin báo về vụ việc người chồng hành hung vợ xảy ra trên địa bàn.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng công an đã có mặt tại hiện trường, lập biên bản ghi nhận hành vi bạo hành của P Ng. và người này đã ký cam kết không tái phạm.

Theo quan điểm của Luật sư Hoàng Tùng, đây là vụ việc không thể xem nhẹ, dù người bị hại có xin hòa giải. Bởi hành vi bạo lực đã được làm rõ, có đầy đủ chứng cứ (video, nhân chứng), và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Hành vi của người chồng đã vượt ra ngoài phạm vi "nội bộ gia đình", trở thành một tội phạm nghiêm trọng với sự lặp đi lặp lại, ảnh hưởng nặng nề đến nạn nhân và con cái.

Cơ quan điều tra có thể chủ động khởi tố vụ án nếu có đủ căn cứ, mà không phụ thuộc vào sự "tha thứ" của nạn nhân. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm khắc các vụ bạo hành gia đình, nhằm bảo vệ phụ nữ, trẻ em và giữ gìn đạo đức xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước