Trả giá 30 tỷ đồng/m2 rồi bỏ đấu giá giữa chừng, đẩy giá cao đến vòng số 8 rồi lại đồng loạt bỏ cuộc. Trong vài ngày qua, liên tiếp xảy ra các cuộc bán đấu giá bất thành tại Sóc Sơn, Thanh Oai, thành phố Hà Nội, ảnh hưởng đến nhiều người và lãng phí tiền của nhà nước. Đấu giá quyền sử dụng đất nhằm công khai, minh bạch và đưa tài sản tiếp cận với những người có nhu cầu thực sự. Điều này giúp phát huy tối đa giá trị của quyền sử dụng đất, hạn chế tình trạng đầu cơ, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia đấu giá, huy động tối đa nguồn vốn cho ngân sách.
Ba thửa đất ký hiệu A12, A13 và C6 đã được một cá nhân trả giá lên tới 30 tỷ đồng/mét vuông
Vị trí của 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa được đưa ra đấu giá. Khu vực này nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 31 km, với hai bên giáp khu dân cư hiện hữu và phần còn lại giáp các ruộng lúa, đất canh tác nông nghiệp. Đáng chú ý, có ba thửa đất đã được một cá nhân trả giá lên tới 30 tỷ đồng/mét vuông, trong khi giá khởi điểm chỉ là 2,5 triệu đồng/mét vuông. Nếu trúng đấu giá, người này sẽ phải thanh toán số tiền từ 3.000 đến hơn 4.000 tỷ đồng để sở hữu các lô đất này. Hiện tại, Công an Hà Nội đã tạm giữ một nhóm đối tượng có hành vi cố tình phá hoại kết quả đấu giá để điều tra và làm rõ. Hành vi này gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, bao gồm việc đẩy giá lên cao bất thường rồi đột ngột bỏ ngang.
"Sau khi kết quả đấu giá được công bố, cả hội trường trở nên hỗn loạn. Nhiều người dân bức xúc, và khẳng định rằng hành vi của đối tượng này là cố tình phá hoại", ông Nguyễn Xuân Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ.
"Khi cơ quan nhà nước tổ chức đấu giá các lô đất, phải bỏ ra nhiều chi phí để thực hiện quy trình, thủ tục và chuẩn bị cho cuộc đấu giá. Khi đấu giá thất bại do hành vi phá hoại, nhà nước phải gánh chịu những chi phí này và không thể bán thành công lô đất. Trong các vòng đấu giá tiếp theo, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc định giá lô đất", luật sư Bùi Quang Hưng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết.
Luật sư Bùi Quang Hưng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ về các quy định của pháp luật về đấu giá đất
Theo luật sư Bùi Quang Hưng, hiện pháp luật đã có quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong đấu giá đất. Tuy nhiên, các mức xử phạt hành chính hiện tại vẫn còn nhẹ. Chẳng hạn, theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ, mức xử phạt hành chính đối với hành vi này chỉ từ 10 – 20 triệu đồng. Đối với các đối tượng cố tình phá hoại đấu giá, số tiền phạt này không đáng kể và không đủ sức răn đe.
Tình trạng đấu giá bất thành cũng đã xảy ra tại phiên đấu giá 22 lô đất tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, Thanh Oai, Hà Nội. Nguyên nhân là đến vòng thứ 9, khách hàng đồng loạt không trả giá tiếp, dẫn đến phiên đấu giá không thành. Trong khi mức giá cao nhất được trả đến vòng thứ 8 là hơn 70 triệu đồng/mét vuông, gấp 13 lần giá khởi điểm. Sáng 4/12, Công an huyện Thanh Oai đã tiến hành xác minh để làm rõ liệu có dấu hiệu bất thường nào trong phiên đấu giá này hay không.
"Việc đấu giá đã diễn ra đến vòng thứ 9, nhưng sau vòng thứ 8, nhiều người tham đấu giá đồng loạt bỏ cuộc, khiến phiên đấu giá bị hủy. Đây là một kẽ hở trong quy chế đấu giá của đơn vị tổ chức, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lợi dụng. Trong trường hợp này, người tham gia đấu gia vi phạm không chịu thiệt hại đáng kể nào. Do đó, quy chế đấu giá cần được xây dựng theo hướng chặt chẽ hơn, đảm bảo rằng nếu một nhà đầu tư bỏ cuộc sau khi đã đẩy giá lên cao, họ sẽ phải chịu trách nhiệm và thiệt hại tương ứng", luật sư Bùi Quang Hưng nhận định.
Nhiều cá nhân tham gia đấu giá, đẩy giá đất lên cao, rồi đồng loạt bỏ cuộc giữa chừng
Luật sư Bùi Quang Hưng cho rằng, cần có cơ chế buộc người tham gia đấu giá phải chịu trách nhiệm ngay từ vòng đầu tiên. Bởi hiện nay, nhà nước mới chỉ có quy định về đặt cọc, nhưng mức đặt cọc này chưa đủ lớn để ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần yêu cầu người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực tài chính, giống như các doanh nghiệp bất động sản thường yêu cầu người mua đặt cọc hoặc chứng minh khả năng thanh toán 100% giá trị tài sản. Quy định chặt chẽ như vậy sẽ buộc người tham gia đấu giá phải nghiêm túc hơn, hạn chế tình trạng đẩy giá ảo và phá hoại kết quả đấu giá như hiện nay.
Việc đấu giá rồi bỏ ngang chỉ là một trong nhiều vấn đề đang xảy ra trong quá trình đấu giá đất hiện nay. Hơn 4 tháng trước, tại Thanh Oai, Hà Nội, cũng đã xảy ra tình trạng đấu giá đất lên tới hơn 100 triệu đồng/mét vuông, gấp 8 lần so với giá khởi điểm. Nhưng đến thời hạn cuối cùng để hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền, còn 56 thửa đất không được nộp tiền hoặc nộp không đủ. Trong khi trước đó, đã diễn ra mua bán trao tay chênh lệch đến vài trăm triệu đồng một lô đất. Đặc biệt, vào năm 2021 – 2022, lô đất vàng Thủ Thiêm được đấu giá thành công lên đến 2,4 tỷ đồng/mét vuông, nhưng sau đó các đơn vị đấu trúng giá này cũng bỏ cọc.
Lô đất vàng Thủ Thiêm được đấu giá thành công lên đến 2,4 tỷ đồng/mét vuông
"Theo quy định mới của pháp luật, ngoài việc mất tiền đặt cọc, những đối tượng tham gia đấu giá và bỏ cọc còn có thể phải chịu thêm một khoản bồi thường thiệt hại liên quan đến hành vi này. Bên cạnh đó, các biện pháp chế tài sẽ bao gồm việc cấm các đối tượng này tham gia các phiên đấu giá tiếp theo. Thông tin về các cá nhân vi phạm sẽ được thông báo công khai để ngăn chặn họ tham gia đấu giá trong một thời gian nhất định. Trong thời gian tới, cần phải có chế tài để có thể quản lý việc thuê người khác đi đấu giá hộ", luật sư Bùi Quang Hùng cho biết thêm.
Cũng theo luật sư Bùi Quang Hưng, Điều 218 của Bộ luật Dân sự 2015, pháp luật đã quy định rõ các hành vi tham gia đấu giá và cố tình phá hoại kết quả đấu giá. Nếu có liên quan, những người lợi dụng việc đấu giá để trục lợi từ các lô đất xung quanh sẽ bị xem là đồng phạm với những đối tượng gây rối. Trong trường hợp cơ quan điều tra phát hiện hành vi này, tất cả những người liên quan sẽ không chỉ bị xử lý về hành vi vi phạm, mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm. Hình thức xử phạt đối với những hành vi này sẽ rất nghiêm khắc, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình đấu giá.
Các sự việc liên quan đến việc phá hoại đấu giá, có thể điều tra hành vi và dấu hiệu phạm tội và cấu thành tội phạm phá hoại, gian lận, thông thầu trong đấu giá nhằm trục lợi từ việc đấu giá nhà đất. Những hành vi này phải được xử phạt nghiêm khắc để răn đe và cảnh cáo. Mặc dù quy định pháp lý đã có, nhưng việc thực hiện cần phải rõ ràng và chặt chẽ hơn để đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Cần phải khắc phục các kẽ hở trong quy định để ngăn chặn tình trạng trục lợi từ đấu giá quyền sử dụng đất. Bởi việc đấu giá không thành công gây lãng phí công sức và tiền bạc, trong khi việc bỏ cọc lại khiến đất đai hoang hóa và lãng phí nguồn lực của nhà nước. Quan trọng hơn, khi đấu giá được thực hiện đúng luật, công khai và minh bạch, sẽ giúp những người thực sự có nhu cầu nhà ở có cơ hội mua được một căn nhà, từ đó có thể an cư và lạc nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!