Vụ cháy chung cư mini tại số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân vào tháng 9/2023 đã gây ra thảm kịch đau lòng với 56 người thiệt mạng và 44 người bị thương. Hậu quả của vụ cháy không chỉ dừng lại ở những con số thống kê mà còn để lại nỗi đau khôn nguôi cho các nạn nhân và gia đình họ.
Những vết thương còn chưa lành
Chị Lê Thị Thời chủ căn hộ 901, cùng con trai T.Đ.P (18 tuổi) đã trải qua khoảnh khắc sinh tử khi quyết định nhảy từ tầng 9 xuống tầng 6 của ngôi nhà bên cạnh để thoát thân. Cú nhảy định mệnh khiến chị Thời bị gãy xương chậu, xương cột sống, cánh tay phải gãy làm 3 đoạn và gãy ba xương sườn. Con trai chị cũng bị thương nặng và phải ngồi xe lăn suốt một thời gian dài.
Chị Thời với cánh tay gãy làm 3 đoạn sau cú nhảy định mệnh buổi tối xảy ra đám cháy. (Ảnh: Phùng Anh)
"Lúc đầu, bác sĩ tiên lượng tôi có nguy cơ bị liệt. Nhưng sau hai ngày hôn mê, khi tỉnh lại, họ chúc mừng vì tôi vẫn còn cảm giác ở chân. Thời điểm đó, việc đi lại, sinh hoạt tôi phải nhờ đến sự chăm sóc và hỗ trợ suốt một thời gian dài. Sau ba tháng điều trị, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi cố gắng ngồi dậy. Tôi không thể tự ngồi hay làm việc được và buộc phải từ bỏ công việc của mình. Thời gian đầu, cơn đau vô cùng khủng khiếp, ngay cả khi được tiêm morphin, tôi vẫn không cảm thấy sự đau đớn thuyên giảm chút nào. Đó thực sự là khoảng thời gian đầy khó khăn đối với tôi và gia đình tôi", chị Thời chia sẻ.
Những vết sẹo trên cánh tay người phụ nữ mãi mãi in hằn, như chứng tích của nỗi đau không thể xóa nhòa. (Ảnh: Phùng Anh)
Theo chị Thời, hiện tại chị là mẹ đơn thân, một mình nuôi con, nên toàn bộ kinh tế gia đình phụ thuộc vào chị. "Khi đang nằm điều trị, theo các bác sĩ nhận định, phải sau khoảng sáu tháng tôi mới có thể vận động trở lại và chỉ có thể làm những công việc nhẹ nhàng. Đến tháng 9/2024 tôi đã xin đi làm lại, nhưng chỉ sau vài tháng do sức khỏe không đảm bảo, tôi đã lại phải xin nghỉ và tiếp tục chờ ca phẫu thuật sắp tới", chị Thời nói.
Chị Thời tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. (Ảnh: Phùng Anh)
Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án, chị Thời đã bày tỏ với HĐXX về mong muốn bản thân mình: "Tôi là lao động chính trong gia đình và phải điều trị những vết thương từ khi vụ cháy xảy ra đến 4/2024. Tôi chỉ được hỗ trợ viện phí cho 10 ngày nằm viện đầu tiên với số tiền khoảng 85 triệu đồng. Sau đó, mọi chi phí điều trị đều do tôi, gia đình, bảo hiểm y tế cùng các cơ quan, tổ chức đơn vị hỗ trợ....Tôi mong Tòa án xem xét để tránh những thiệt thòi không đáng có cho tôi".
Cũng theo chị Thời, sau thời điểm tháng 4/2024, cánh tay của chị lại bị cong nẹp và nhiễm trùng xương, khiến quá trình hồi phục càng thêm gian nan. Khi đó, chị vẫn phải tiếp tục thường xuyên đến bệnh viện để thăm khám và điều trị.
Trải qua quãng thời gian dài dùng kháng sinh, đến tháng 8/2024, chị mới kiểm soát được tình trạng chảy máu, chảy mủ ở cánh tay. Thế nhưng, cơ thể chị vẫn phải chịu đựng những cơn đau dai dẳng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
Giọng nói của Chị Tạ Hương Giang (chủ căn hộ 205) bị thay đổi do ngạt khói. (Ảnh: Phùng Anh)
Tại phiên toà, trả lời HĐXX với giọng nói đã bị thay đổi do ngạt khói, chị Tạ Hương Giang (chủ căn hộ 205) chia sẻ: "Mẹ tôi mua cho tôi căn hộ ở tòa nhà này. Khi mua, anh Nghiêm Quang Minh có hứa rằng sẽ bàn giao toàn bộ giấy tờ PCCC và tất cả những gì liên quan đến để trả cho cư dân. Nhưng sau đó anh Minh đã không thực hiện. Chúng tôi liên tục viết đơn yêu cầu anh Minh hoàn thành PCCC và trả lại toàn bộ hồ sơ để chúng tôi kiểm soát an toàn PCCC cũng như đường dây điện và bản thiết kế ngôi nhà. Anh Minh không những không thực hiện mà còn đe dọa tôi".
Theo chị Giang toàn bộ cư dân đã nhiều lần gửi đơn lên UBND phường và kêu cứu về vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhưng không nhận được sự giải quyết.
"Lời khai của các bị cáo đều thể hiện sự vô trách nhiệm. Tôi đề nghị xử lý nghiêm để răn đe, làm gương cho các cán bộ sau này," chị Tạ Hương Giang nêu ý kiến trước HĐXX.
Cũng theo chị Giang chung cư này không phải là chung cư mini theo đúng quy định, nên cư dân sinh hoạt tự phát với nhau. Từ năm 2019, khi chị Giang chuyển đến sinh sống, ban quản trị chung cư được thay đổi mỗi năm một lần. Ngoài ra, cư dân cũng có một nhóm chung để trao đổi thông tin.
Tuy nhiên, trong nhóm trao đổi, các cư dân chỉ thảo luận về việc tập huấn PCCC mà không đề cập đến các phương án xử lý khi xảy ra cháy.
Khi được hỏi về việc đình chỉ hoạt động của cơ quan chức năng đối với tầng 1 tòa nhà, chị Tạ Hương Giang trả lời trước tòa: "Tôi có nghe thông tin về quyết định đình chỉ, nhưng không thấy có biện pháp xử lý cụ thể".
Người ở lại và nỗi đau không lời
Đôi mắt đỏ hoe, hai hàng lệ lăn dài trên gương mặt, bà Hà Thị Thu N. (60 tuổi, ở Thái Nguyên) cùng chồng nghẹn ngào kể về nỗi mất mát quá lớn khi cả gia đình con gái, con rể và cháu ngoại đều thiệt mạng trong vụ cháy.
Bà Hà Thị Thu N. khóc nghẹn khi nhắc đến gia đình con gái....! (Ảnh: Phùng Anh)
"Con gái tôi, Phan Thanh T., sinh năm 1992, mới 32 tuổi. Con rể tôi, Hà Thái B., cả hai vợ chồng đều là kỹ sư xây dựng. Cháu ngoại tôi là Hà Văn Q. sinh năm 2020... Các con tôi đẹp lắm, giỏi lắm…", bà N. bật khóc, giọng nghẹn lại vì đau xót.
Bà N. kể lại, vào khoảng hơn 23 giờ đêm hôm đó, khi đang chuẩn bị đi ngủ, bà bất ngờ nhận được cuộc gọi từ con rể báo rằng chung cư đang cháy lớn. Hoảng hốt, vợ chồng bà lập tức gọi taxi đi Hà Nội.
Trong lúc vội vã, bà N. liên tục gọi cho con gái nhưng không ai nghe máy. Khi gọi lại cho con rể, bà chỉ nghe thấy tiếng con run rẩy: "Mẹ ơi, khói nhiều lắm, con sắp chết rồi..." Bàng hoàng, bà vội hỏi: "Vợ con đâu?" Nhưng ngay sau đó, điện thoại mất liên lạc...!
Sáng nay, hai vợ chồng bà bắt xe khách từ Thái Nguyên xuống Hà Nội để dự phiên tòa. Giọng bà chùng xuống, đôi mắt trĩu nặng nỗi đau: "Nỗi đau này… chẳng biết bao giờ mới nguôi ngoai…"
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!