Chiều 10/3, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội tiếp tục phiên xét hỏi đối với 8 bị cáo liên quan đến vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, khiến 56 người thiệt mạng và 44 người bị thương.
Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (Áo sơ mi dài tay) cựu Phó trưởng Công an phường Khương Đình. (Ảnh: Phùng Anh)
Đứng trước Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Nguyễn Tuấn Anh, cựu Phó trưởng Công an phường Khương Đình gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân và gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ cháy.
Bị cáo khai rằng vào tháng 3/2021, Công an quận Thanh Xuân đã bàn giao hồ sơ phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho Công an phường. Từ thời điểm đó đến khi xảy ra vụ cháy (ngày 12/9/2023), bị cáo liên tục chỉ đạo cảnh sát khu vực phối hợp với đội PCCC để tuyên truyền an toàn phòng cháy cho cư dân tòa nhà.
Bị cáo Tuấn Anh trình bày: "Tôi nhận thấy căn nhà không có lối thoát nạn thứ hai nên đã yêu cầu cảnh sát khu vực vận động cư dân mở thêm lối thoát nạn để đề phòng sự cố."
Ngoài ra, bị cáo cho biết đã chỉ đạo cảnh sát khu vực vận động người dân xây dựng điểm chữa cháy và các tổ liên gia PCCC, đồng thời thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chấp hành Quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở.
Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận trong thời gian giữ chức Phó trưởng Công an phường Khương Đình, đã không có những biện pháp quyết liệt hay báo cáo đầy đủ để đảm bảo an toàn PCCC tại chung cư mini trên phố Khương Hạ.
Bị cáo Tần Anh (Áo đen bên trái hình) cựu Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình. (Ảnh: Phùng Anh)
Trong phần xét hỏi, bị cáo Phạm Tần Anh, cựu Phó Chủ tịch UBND phường quay về phía các bị hại, cúi đầu và gửi lời xin lỗi tới các nạn nhân cùng gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ cháy. Bị cáo cho biết bản thân đã trực tiếp tham gia chữa cháy, nỗ lực hết sức để cứu giúp các nạn nhân.
Bị cáo Tần Anh khai rằng đã nhận được Công văn số 375/UBND-CATX ngày 21/3/2023 của UBND quận Thanh Xuân và thường xuyên phối hợp với Nguyễn Tuấn Anh cùng Công an phường Khương Đình để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Quyết định đình chỉ hoạt động của toà nhà.
Tuy nhiên, bị cáo Tần Anh thừa nhận, do khối lượng công việc lớn và việc Công an phường là đơn vị tham mưu đã không báo cáo kết quả thực hiện cũng như không đề xuất các giải pháp tiếp theo, nên bản thân bị cáo không có cơ sở để báo cáo Chủ tịch UBND phường và cấp trên nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Toàn cảnh phiên toà. (Ảnh: Phùng Anh)
Trước HĐXX, bị cáo Phạm Thanh Tùng, nhân viên hợp đồng phụ trách lĩnh vực môi trường đô thị, khẳng định không liên quan đến công trình xây dựng của Nghiêm Quang Minh – chủ chung cư mini.
Bị cáo cho biết, vào tháng 9/2015, khi mới nhận nhiệm vụ tại phường trong lĩnh vực công tác đô thị, bị cáo không phụ trách trật tự xây dựng. Thời điểm đó, tòa nhà đã được xây dựng đến tầng 7.
Dù cùng bị cáo Nguyễn Đình Quân và Nguyễn Thị Kim Trang ký biên bản xác nhận việc Nghiêm Quang Minh tự tháo dỡ phần xây dựng sai phép tại tầng 7, nhưng bị cáo Tùng trình bày không trực tiếp chứng kiến quá trình tháo dỡ này.
Tại tòa, bị cáo thừa nhận trách nhiệm của bản thân, gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân và cúi đầu mong được thông cảm.
Bị cáo Trần Trọng Khang, cựu Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân.
Khi được HĐXX hỏi, bị cáo Trần Trọng Khang, cựu Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân khai rằng khi nhận được biên bản từ phường, trong đó thể hiện việc mới chỉ tháo dỡ tầng 7 mà chưa xử lý vấn đề mật độ xây dựng, bị cáo do bận nhiều công việc nên chưa đôn đốc sát sao.
Sau đó, bị cáo tin tưởng vào báo cáo của cán bộ cấp dưới tại phường nên không kiểm tra thêm. Khi tòa nhà tiếp tục được xây lên đến tầng 9, do không nhận được báo cáo từ phường, bị cáo cũng không hay biết về sự việc.
Còn bị cáo Nguyễn Đình Quân, cựu Tổ trưởng Tổ Thanh tra xây dựng phường Khương Đình, khai rằng khi phát hiện vi phạm, bị cáo đã lập biên bản, yêu cầu Nghiêm Quang Minh dừng thi công công trình và báo cáo UBND phường cùng Đội Thanh tra xây dựng quận.
Trên cơ sở tham mưu của bị cáo Quân và Tổ Thanh tra xây dựng, UBND phường và UBND quận đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Quyết định cưỡng chế, đồng thời vận động Nghiêm Quang Minh tự tháo dỡ phần công trình vi phạm.
Tuy nhiên, sau khi chứng kiến việc Minh tự phá dỡ, bị cáo Quân cho biết thời điểm đó bản thân phải thường xuyên tham gia công tác giải phóng mặt bằng nên không thể giám sát chặt chẽ, dẫn đến việc công trình tiếp tục vi phạm.
Khi HĐXX truy hỏi lý do tại sao không xử lý ngay từ đầu vấn đề mật độ xây dựng 100% trong khi giấy phép chỉ cho phép 70% ngay từ khi xây dựng phần móng, bị cáo đã không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!