Trinh sát kể chuyện đột kích xưởng tái chế trái phép dầu nhớt phế thải ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Phong Nguyễn - Thế Hà-Thứ hai, ngày 09/12/2024 22:07 GMT+7

Công an huyện Châu Đức khám xét cơ sở tái chế dầu nhớt thải trái phép trong vườn cao su tại xã Cù Bị.

bangdatally.xyz - Như tin đã đưa, một cơ sở tái chế nhớt thải trái phép quy mô lớn vừa bị Công an huyện Châu Đức phát hiện, triệt phá.

Phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc trao đổi với cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Châu Đức để có thêm thông tin về xưởng tái chế trái phép dầu nhớt phế thải quy mô lớn này.

Những cuộc trinh sát lúc nửa đêm

15h30' chiều 6/12/2024, hàng loạt cán bộ chiến sĩ công an huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu như "chui ra từ lòng đất", ập vào kiểm tra một khu nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông, nằm sâu trong rừng cao su ở thôn Phước Chí, xã Cù Bị, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công an huyện Châu Đức khám xét cơ sở tái chế dầu nhớt thải trái phép trong vườn cao su tại xã Cù Bị. Clip: CA cung cấp.  

Tại đây, lực lượng công an đã bắt quả tang cơ sở này đang thực hiện việc tái chế nhớt thải trái phép. Thời điểm này, trong xưởng có 5 công nhân đang làm việc. Hai xe ô tô vận chuyển, khoảng 5.000 lít dầu nhớt thải chưa qua xử lý, cùng một lượng lớn hóa chất, axit, và 22.000 lít dầu thành phẩm. Các đối tượng khai nhận đây là dầu đốt dùng trong công nghiệp, vừa được tái chế xong, chưa kịp tiêu thụ ra thị trường. Chủ cơ sở bước đầu thừa nhận hành vi vi phạm.

"Để tiến hành cuộc kiểm tra, trước đó, lực lượng công an đã phải chia ca trinh sát nhiều lần vào ban đêm" - Thiếu tá Mai Phong Vũ, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, Công an huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết. "Các cuộc thăm dò cho thấy từ cách 1km đã ngửi thấy mùi hắc đặc trưng của nhớt thải. Quá trình tiếp cận khu xưởng vào ban đêm ở khu vực vắng vẻ, là rừng cao su có nhiều cành lá khô rất dễ phát ra âm thanh, anh em càng phải nhón nhẹ chân để không gây chú ý".

Nắm bắt được quy luật hoạt động của cơ sở này thường bắt đầu nấu dầu thải từ nửa đêm cho đến sáng, một mẻ phải nấu 3 ngày mới xong, lực lượng công an đã phải chia ca, mỗi ca từ 2 đến 3 chiến sĩ theo dõi trinh sát. Vừa phải để ý đối tượng cảnh giới, vừa không để bà con nhân dân xung quanh nghi ngờ, tò mò hỏi han sẽ khiến đối tượng để ý.

Trinh sát kể chuyện đột kích xưởng tái chế trái phép dầu nhớt phế thải ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 2.

Nhớt thải sau khi thu gom về được đổ vào hầm chứa. Ảnh: CA cung cấp

Cuộc kiểm tra đột xuất hôm 6/12 là kết quả công sức của nhiều ngày trinh sát, nắm địa bàn, lên kế hoạch. Bước đầu khai nhận và thừa nhận hành vi vi phạm, chủ cơ sở là ông V.M.N. (ngụ tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết đã thuê khu đất này để mở xưởng tái chế nhớt thải trái phép từ tháng 10/2024. Sau nhiều ngày lắp ráp thiết bị máy móc, tiến hành thử nghiệm, đến ngày 3/12, vừa mới chính thức tái chế dầu thải trái phép thì ngay lập tức bị công an địa phương xử lý. Hơn 22.000 lít dầu thành phẩm vẫn chưa kịp bán ra thị trường.

Trinh sát kể chuyện đột kích xưởng tái chế trái phép dầu nhớt phế thải ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 3.

Một bao hoá chất công an thu giữ tại cơ sở này. Ảnh: CA cung cấp

Quy trình sản xuất nhiều rủi ro

Theo thông tin ghi nhận tại hiện trường và qua lời khai của các đối tượng, một quy trình tái chế nhớt thải thủ công và sơ sài được làm rõ. Nguyên liệu là dầu nhớt thải đã qua sử dụng được thu mua tại thị xã Phú Mỹ và các tỉnh, thành lân cận, đen sì hôi hám, đóng trong hàng trăm thùng phi.

Trinh sát kể chuyện đột kích xưởng tái chế trái phép dầu nhớt phế thải ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 4.

Các lò nhiệt dùng để chưng cất nhớt thải thành dầu công nghiệp. Ảnh: CA cung cấp

Để tái chế, nhớt thải được bơm xuống lưu trữ tại hầm chứa, sau đó đưa lên bồn tách nước. Bước tiếp theo bơm qua lò chưng cất, qua các vòng tăng giảm nhiệt, nguyên liệu ngưng kết thành dòng chất lỏng, từ đó bơm lên bồn sắt, pha chế với các loại hóa chất như: axit, H2SO4… để lắng cặn lại là thành thành phẩm. Sau đó cho ra can nhựa, pha sút chống thấm để tích trữ chờ đem bán.

Trinh sát kể chuyện đột kích xưởng tái chế trái phép dầu nhớt phế thải ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 5.

Các thùng phi chứa nhớt thải nguyên liệu. Ảnh: CA cung cấp

Toàn bộ quy trình này, các bước lưu trữ tại hầm, bơm hút, vận chuyển dầu thải đều rất sơ xài. Nguy cơ ô nhiễm môi trường, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Ông N.M.N., chủ cơ sở tái chế dầu trái phép này cho biết: Dầu phế thải được mua với giá 5 nghìn đồng/lít. Sau quy trình đun nấu thủ công này, sẽ trở thành dầu đốt có giá bán 11 nghìn đồng/lít. Trung bình cứ 200 lít nhớt thải nguyên liệu sẽ chế ra được 120 lít dầu thành phẩm (200 lít nhớt + H2SO4+ H2O2 50%+ NAOH bột 99% = 120 lít dầu). 

Bên cạnh đó là hàng loạt loại phụ gia như các loại axit, sút chống thấm... dùng để pha chế. Công an huyện Châu Đức cho biết đang lấy mẫu kiểm tra, để đánh giá chính xác về chất lượng loại dầu được sản xuất theo công nghệ thủ công sơ sài này.

Trinh sát kể chuyện đột kích xưởng tái chế trái phép dầu nhớt phế thải ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 6.

Nhớt thải sau khi chưng cất được đưa về trong bồn chứa. Ảnh: CA cung cấp

Chỉ là "phần nổi của tảng băng"

Vụ xử lý cơ sở tái chế nhớt thải ở huyện Châu Đức là bằng chứng mới nhất về một thực trạng nhức nhối lâu nay: Tái chế trái phép nhớt thải và sản xuất các loại dầu nhớt giả.

Đại diện Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) từng cho biết, đã xử lý nhiều vụ việc với hàng nghìn lít dầu nhớt bị thu giữ vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Riêng năm 2021, đã có 17.222 lít dầu nhớt không đạt chất lượng đã bị tạm dừng lưu thông.

Trinh sát kể chuyện đột kích xưởng tái chế trái phép dầu nhớt phế thải ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 7.

Các tăng (thùng) dầu thành phẩm chuẩn bị mang đi tiêu thụ. Ảnh: CA cung cấp

Thời gian qua, các cơ sở tái chế dầu nhớt trái phép cũng bị triệt phá thường xuyên. Ví dụ, tại Ninh Bình, một cơ sở đã bị phát hiện với 20.000 lít dầu nhớt qua tái chế nhưng không có giấy tờ hợp lệ. Nhiều địa phương khác cũng ghi nhận tình trạng tái chế nhớt thải trái phép, tình trạng dầu nhớt giả, kém chất lượng vẫn rất phổ biến lưu thông trên thị trường.

Trinh sát kể chuyện đột kích xưởng tái chế trái phép dầu nhớt phế thải ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 8.

Các công nhân làm thuê đang tụ tập tại một góc nhà xưởng lúc bị công an kiểm tra. Ảnh: CA cung cấp

Trong vụ việc lần này, ngoài chủ cơ sở và các công nhân, tại xưởng còn có một người đàn ông tên T.V.B. (ngụ tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Người này được coi là đối tác cùng làm, lo đầu vào (thu mua nhớt thải) và đầu ra (tìm nơi tiêu thụ dầu thành phẩm) cho cơ sở sản xuất. 

Tuy nhiên, chính bản thân ông T.V.B. cũng từng liên tục 2 lần bị xử phạt vì hành vi tái chế nhớt thải trái phép. Cụ thể: Bị xử phạt vi phạm hành chính 235 triệu đồng khi tái chế nhớt thải trái phép vào năm 2022 tại Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tới tháng 12/2023, người này tiếp tục dời hoạt động về địa bàn tỉnh Bình Thuận và lại bị xử phạt hành chính 200 triệu đồng với vi phạm tương tự.

Qua các vụ việc được các lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá cho thấy, tình trạng tái chế và buôn bán dầu nhớt giả vẫn diễn ra rộng rãi, do lợi nhuận cao và khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc sản phẩm trên thị trường. Đây là thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý khi các hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường và gây thiệt hại cho người tiêu dùng cả nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

giá dầu

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước