Đối tượng Nguyễn Kim Xuyến, cư ngụ xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang bị Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Cà Mau khởi tố về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Mặc dù chiêu trò lừa đảo "việc nhẹ lương cao" không phải là thủ đoạn mới nhưng tại Cà Mau, nhiều người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết vẫn trở thành nạn nhân. Thực trạng này cho thấy cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật sâu rộng trong cộng đồng và mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức tìm hiểu pháp luật, cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo.
Thời gian trước, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng đến đời sống người dân, tình trạng mất việc làm, không có thu nhập của một bộ phận người dân ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng xấu đã lợi dụng vấn đề này và tâm lý hám lợi của một số thanh niên lêu lỏng, không nghề nghiệp ổn định. Các đối tượng triệt để khai thác, sử dụng mạng xã hội để đăng tải, tin, bài, tuyển dụng với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, được trả lương từ 800 đến 2.000 USD/tháng... với yêu cầu cực kì đơn giản là chỉ cần biết đánh máy vi tính. Những nạn nhân này bị cưỡng ép lao động từ 12 - 16 giờ/ngày, bị giám sát chặt chẽ, không được tự do đi lại, hạn chế cho liên hệ về người thân, gia đình, chỉ cho liên hệ nếu có sự giám sát của chúng, được giao chỉ tiêu cụ thể, hàng tháng phải lừa được từ 80 - 100 triệu đồng, được thưởng tiền hoa hồng nếu đạt đủ doanh số, nếu không thực hiện được thì nạn nhân sẽ bị đánh đập, hành hạ và bị đòi tiền chuộc. Nếu gia đình không có tiền chuộc, họ sẽ bị các đối tượng bán đi cho các đường dây mua bán người.
Bằng những phương thức, thủ đoạn trên, sau khi các đối tượng dụ dỗ, lừa được “con mồi”, nạn nhân sẽ bị các đối tượng đưa vào các cơ sở hoạt động vi phạm pháp luật. Địa bàn chúng hoạt động thường là các đặc khu kinh tế, khu casino... ở Campuchia, đây cũng chính là nơi xuất phát nhiều băng, nhóm tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia. Số công dân Việt Nam muốn tìm “việc nhẹ, lương cao” thực chất công việc của họ là đi lừa đảo chính người Việt, thậm chí là lừa gạt chính người thân, bạn bè của mình thông qua các ứng dụng mạng xã hội như: Tiktok, Telegram, Twister... với những chiêu thức, kịch bản đã được các đối tượng này dựng sẵn, xây dựng kế hoạch một cách bài bản và bắt các nạn nhân thực hiện.
Từ năm 2021 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Cà Mau đã thụ lý, khởi tố điều tra 4 vụ, 8 bị can về các tội: "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài", "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép" và tiếp nhận, giải cứu nhiều trường hợp bị dụ dỗ đưa sang Campuchia lao động. Tuy được giới thiệu là "việc nhẹ, lương cao" nhưng thực chất là hoạt động bóc lột sức lao động, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng và buộc gia đình nạn nhân phải bỏ ra số tiền rất lớn để chuộc thì người thân của họ mới được thả về nước. Từ đây, nhiều gia đình đã khó khăn lại càng thêm chồng chất khó khăn. Nhiều trường hợp phải bán đất, bán chính ngôi nhà mà họ đang ở, thậm chí đi vay nóng ngoài xã hội với lãi suất cực cao để chuộc con em mình.
Ngày 12/12/2024, Công an tỉnh Cà Mau tiếp nhận 6 trường hợp, đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị cơ quan chức năng Campuchia trục xuất về Việt Nam với hành vi nhập cảnh và lao động trái phép
Đơn cử như vụ án: "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép" xảy ra ngày 13/5/2024 tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Bằng hình thức đi lao động ở Campuchia, đối tượng Phạm Mỹ Nhiên, sinh năm 1993 thường trú ở Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã câu kết với đối tượng Nguyễn Kim Xuyến, sinh năm 1990 ở Châu Thành, Kiên Giang để rủ rê, dụ dỗ 5 người thân là họ hàng, ruột thịt của mình cho đối tượng Xuyến đưa sang Campuchia lao động nhằm hưởng lợi số tiền 2.500 USD, sau đó họ phải bỏ ra số tiền chuộc 30 triệu đồng/người. Gia đình ông P.V.H. là cha của 4 nạn nhân trong vụ án trên phải đi vay số tiền 120.000.000 đồng với lãi suất cao để chuộc các con của ông về Việt Nam.
Thời gian gần đây, mặc dù các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội đã tuyên truyền, đưa ra nhiều lời cảnh báo về phương thức, thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao" tại Campuchia và nhiều hình thức lừa đảo khác trên không gian mạng nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn, ngày càng tinh vi, phức tạp hơn và có nhiều nạn nhân vẫn tiếp tục bị lừa. Công an tỉnh Cà Mau khuyến cáo đến người dân như sau:
- Cần tỉnh táo trước những lời dụ dỗ, lôi kéo sang Campuchia lao động, làm việc để tránh bị lừa gạt, bị đưa vào các tổ chức tội phạm hoặc bị mua đi, bán lại cho các tổ chức tội phạm mua bán người.
- Mọi công dân khi xuất cảnh sang nước ngoài phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về xuất, nhập cảnh. Mọi hành vi xuất, nhập cảnh trái phép hoặc tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo các điều 347, 348 và 349 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Đề nghị người dân hết sức tỉnh táo trước những thủ đoạn lừa đảo, đe dọa trên không gian mạng của các đối tượng như thủ đoạn giả mạo các cơ quan như công an, viện kiểm sát, tòa án... vì các cơ quan chức năng này không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc các ứng dụng như Zalo, Facebook... Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến các phương thức, thủ đoạn mới mà các đối tượng lợi dụng thông qua các app hẹn hò, yêu đương, đầu tư chứng khoán... để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Người dân khi phát hiện sự việc, đối tượng, đường dây nghi vấn rủ rê, lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia lao động bất hợp pháp hoặc nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xác minh, xử lý theo quy định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!