Tại phiên thảo luận của Quốc hội trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8 vừa qua, báo cáo về công tác thi hành án, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật đã chỉ ra một thực trạng đáng báo động: tội phạm và vi phạm pháp luật của người chưa thành niên tiếp tục gia tăng. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 5.216 vụ, liên quan đến 15.243 đối tượng, tăng 7,58% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lo ngại, nhiều trường hợp trong số này là học sinh, sinh viên.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên có thể xuất phát từ nhiều yếu tố. Tuy nhiên, mạng xã hội ngày càng nổi lên như một môi trường "đủ điều kiện" để những hành vi vi phạm pháp luật diễn ra. Trong nhiều trường hợp, nó không chỉ tạo điều kiện mà còn đóng vai trò như một chất xúc tác, khiến các hành vi phạm pháp trở nên manh động, khó kiểm soát hơn.
Kiểm soát mạng xã hội để ngăn chặn tội phạm vị thành niên
Hành vi phạm tội không xảy ra ngẫu nhiên mà luôn bắt đầu từ một ý định xấu. Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), ý định này thường trải qua ba giai đoạn: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, và tội phạm hoàn thành. Tuy nhiên, với lứa tuổi thanh thiếu niên còn non nớt, bồng bột, mạng xã hội ngày nay đã và đang trở thành môi trường lý tưởng để khởi phát những ý định không tốt và chuẩn bị điều kiện thực hiện chúng.
Sự phát triển của mạng xã hội tạo cơ hội để những ý tưởng lệch lạc dễ dàng hình thành và lan truyền. Những hành vi như tụ tập gây rối, khoe "chiến tích" vi phạm giao thông, hoặc thậm chí lừa đảo qua mạng đang gia tăng, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.
Tháng 8 vừa qua, tại một khu vực ở Hà Nội, một nhóm thiếu niên độ tuổi 14-18 đã tụ tập chặn đường, gây rối và chặt biển số xe của người tham gia giao thông. Khi bị bắt, lý do mà các em đưa ra là để quay video và khoe trên mạng xã hội nhằm "thị uy" với bạn bè.
Tương tự, những hành vi khác như lạng lách, bốc đầu xe máy, hay cầm hung khí náo loạn đường phố cũng được các thiếu niên quay lại và đăng tải lên mạng xã hội. Điều đáng lo ngại là cả nam và nữ vị thành niên đều tham gia vào những hành động nguy hiểm này chỉ để tìm kiếm sự chú ý.
Không dừng lại ở những trò nghịch dại, mạng xã hội còn trở thành công cụ để thanh thiếu niên thực hiện các hành vi lừa đảo. Một nhóm đối tượng sinh từ năm 2003 đến 2007 đã sử dụng thông tin từ các bài đăng bán hàng thật như máy xúc, ô tô cũ, hay điện thoại để tạo ra các bài đăng giả với giá thấp hơn. Sau khi nhận tiền đặt cọc từ khách hàng, chúng lập tức chặn liên lạc và khóa tài khoản. Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm này đã chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng.
Một trong các đối tượng khai nhận: "Em lấy thông tin xe từ các bài đăng thật, rồi đăng giá rẻ hơn trên các hội nhóm. Khi họ chuyển tiền đặt cọc, em chặn liên lạc và xóa tài khoản."
Một trường hợp khác tại Hà Tĩnh cho thấy mức độ nguy hiểm khi thanh thiếu niên tự chế tạo pháo nổ bằng cách mua nguyên liệu qua mạng và học hướng dẫn từ YouTube. Công an đã thu giữ hơn 800 quả pháo nổ tự chế từ nhóm học sinh này, trong đó có em chỉ mới 15 tuổi.
Một em thừa nhận: "Con học cách chế pháo trên YouTube. Lúc đang giã thì pháo cháy, xì và nổ."
Mạng xã hội là ảo, nhưng lại vô tình trở thành công cụ hỗ trợ cho những vi phạm pháp luật của tội phạm vị thành niên. Chỉ khi việc đã rồi thì sự hối hận chỉ còn là sự muộn màng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!