Đặt phòng du lịch qua mạng dịp Tết, người phụ nữ ở Hải Phòng bị lừa hơn 1 tỷ đồng

PV-Thứ sáu, ngày 07/02/2025 13:48 GMT+7

bangdatally.xyz - Công an TP Hải Phòng cho biết đang xác minh, điều tra vụ một người phụ nữ trình báo bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng nghỉ cho gia đình tại một khu du lịch ở Ninh Bình.

Công an TP Hải Phòng cho biết đơn vị đã nhận được đơn của chị P.T.T. (trú tại TP Hải Phòng) trình báo về việc bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng nghỉ tại một khu du lịch ở tỉnh Ninh Bình.

"Khi nhận được đơn của nạn nhân, chúng tôi cần có thời gian để điều tra, xác minh vụ việc, kết quả như thế nào chúng tôi sẽ thông tin sau", đại diện Công an TP Hải Phòng cho hay.

Chị P.T.T. trình bày, do gia đình có nhu cầu nghỉ dưỡng vào dịp Tết Ất Tỵ vừa qua, chị đã lên mạng tìm kiếm thông tin. Vì đã nhiều lần đặt phòng qua các trang fanpage (trang cá nhân) của các khu nghỉ dưỡng thành công, nên chị T. khá tin tưởng vào các trang fanpage.

Đặt phòng du lịch qua mạng dịp Tết, người phụ nữ ở Hải Phòng bị lừa hơn 1 tỷ đồng - Ảnh 1.

(Ảnh chụp màn hình - Ảnh: VOV)

Tìm thấy một cơ sở lưu trú sang trọng tại Ninh Bình sở hữu trang fanpage có tích xanh (thể hiện xác minh quyền sở hữu cho tài khoản), chị T. nhắn tin hỏi và được tư vấn nhiệt tình. Sau đó, vì bận việc nên đoạn trao đổi giữa 2 bên bị tạm ngưng.

Sau đó vài hôm, khi đến ngày cận Tết, một số đối tượng người tự xưng là nhân viên khu nghỉ dưỡng trên liên tục gọi điện qua messenger thúc giục chị T. đặt cọc trước giữ chỗ.

"Những người này nói cơ sở lưu trú sắp cạn phòng và không thể giữ chỗ nếu tôi không chuyển tiền trước. Tôi cũng muốn nhanh chóng xong thủ tục để có thời gian làm việc khác nên hỏi thủ tục chuyển tiền", chị T. cho biết.

Ngay sau đó, chị T. đã chuyển khoản phần tiền đặt cọc 6,5 triệu đồng để giữ chỗ cho 2 phòng. Tuy nhiên không lâu sau, phía khu nghỉ dưỡng báo lại khách đã gửi chuyển khoản sai nội dung và yêu cầu chị T. sao chép mã do bên khu nghỉ dưỡng cung cấp vào nội dung chuyển khoản để phòng kế toán xác nhận.

Các đối tượng cho biết chỉ cần thao tác đúng, phòng kế toán sẽ hoàn trả lại khoản tiền đặt cọc ban đầu vì chuyển nhầm, nhưng nếu muốn lấy lại 6,5 triệu đồng, thì chị T. phải kích hoạt VNpay (một loại ví điện tử) và cung cấp cho khách đoạn clip hướng dẫn.

Nội dung đoạn clip rất mờ và khó hiểu. Chị T. xem 2 - 3 lần nhưng không biết phải thao tác thế nào mới chính xác. Lúc này, các đối tượng lại chỉ dẫn chị T. vào phần chuyển tiền, nhập mã vào ô số tiền với nội dung kích hoạt VNpay.

Đối tượng sau đó gửi cho chị T. một bức ảnh chụp nội dung "Giao dịch không thành công" và yêu cầu nhập mã xác thực VNpay để nhận lại tiền từ doanh nghiệp.

Do muốn lấy lại số tiền ban đầu, lại bị thúc ép liên tục phải nhập mã xác thực, chị T. vào ứng dụng ngân hàng của mình, nhập mã VNpay với các con số mà các đối tượng lừa đảo gửi cho.

Chị T. đã chuyển các khoản tiền lần lượt là 9,5 triệu đồng, 125,6 triệu đồng và 379,6 triệu đồng. Khoản tiền cuối cùng chị T. chuyển vào tài khoản mạo danh khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình là 485,6 triệu đồng.

Theo chị T., các đối tượng đã dẫn dắt, đưa chị vào "ma trận" rất bài bản và tinh vi tới từng chi tiết nhỏ. Chúng liên tục thúc ép đối phương chuyển tiền trong khoảng thời gian rất gấp gáp để vị khách không kịp suy tính.

Đặt phòng du lịch qua mạng dịp Tết, người phụ nữ ở Hải Phòng bị lừa hơn 1 tỷ đồng - Ảnh 2.

Khoản tiền cuối cùng 485,6 triệu đồng mà chị P.T.T. chuyển vào tài khoản mạo danh khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình. (Ảnh: NLĐ)

"Khi nói chuyện qua mạng, tôi thấy khung cảnh của một phòng làm việc có quy mô lớn với âm thanh khá ồn ào như một môi trường công sở chuyên nghiệp. Thêm vào đó, các khoản tiền đều chuyển vào tài khoản công ty chứ không phải tài khoản cá nhân nên đã tạo niềm tin, khiến tôi không hề nghi ngờ gì", chị T. cho hay.

Khi khoản tiền cuối cùng được chuyển đi là 485,6 triệu đồng, chị T. thấy hoang mang nên hỏi lại đối phương cho xin số của quản lý khu nghỉ dưỡng, nhờ hỗ trợ thì bị ngắt máy, không liên lạc được.

Thời điểm này, chị T. như bừng tỉnh. Chị vội vàng lên mạng tra cứu số hotline (đường dây nóng) của khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, khu du lịch này khẳng định fanpage chị T. giao dịch là giả mạo, đơn vị này cũng không sở hữu công ty nào có tên như chủ sở hữu tài khoản ngân hàng mà chị T. mô tả.

Theo chị T., tổng số tiền chị đã chuyển cho các đối tượng trong vòng 2 - 3 tiếng là hơn 1 tỷ đồng.

Trong ngày 6/2, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết đã nắm được thông tin du khách đặt phòng trên fanpage giả mạo một cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh và bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng và sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, xử lý.

"Sau khi có thông tin khách bị lừa khi đặt phòng qua mạng, Sở Du lịch đã giao phòng chức năng đến làm việc với khu nghỉ dưỡng để hướng dẫn xử lý và tuyên truyền cho du khách biết", ông Mạnh cho biết thêm.

Cảnh báo thủ đoạn giả mạo khách sạn, resort đặt phòng trực tuyến Cảnh báo thủ đoạn giả mạo khách sạn, resort đặt phòng trực tuyến

bangdatally.xyz - Công an tỉnh Bình Thuận vừa phát đi cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đặt phòng khách sạn, resort trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước