Ảnh minh họa.
Từ giờ đến cuối năm đơn hàng tiếp tục ổn định, đáng lưu ý, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025.
Các thị trường xuất khẩu năm 2024 đều có sự tăng trưởng. Một số thị trường lớn như Mỹ, EU giữ được mức tăng trên 10%. Đặc biệt, năm nay Trung Quốc tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành, chỉ xếp sau Mỹ, EU và chiếm 9% tỷ trọng. Tuy vậy, ở một số thị trường xuất khẩu vẫn giảm, thậm chí hầu như không xuất được do chịu tác động của xung đột như Nga, Uzbekistan.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, năm 2024 ngành da giày đã mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. Riêng thị trường Trung Đông, đây là thị trường rất tiềm năng khi có nhu cầu tiêu dùng lớn và đa dạng.
Trong đó, giày thể thao - mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chiếm ưu thế, mặt hàng này cũng có thể giúp xuất khẩu của ngành tăng trưởng nhanh và mạnh sang Trung Đông trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, thị trường này còn tiêu dùng mặt hàng dép tuy nhiên số lượng không lớn.
Về kế hoạch năm 2025, ngành da giày vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu, sau đó mới từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ.
Doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon nhằm mở thêm kênh tiêu thụ.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, bối cảnh thị trường năm 2025 không có nhiều thay đổi so với năm 2024. Đơn hàng không quá khó khăn nhưng doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao. “Năm 2025 ngành da giày vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD”, bà Xuân nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!