Việc xây dựng trung tâm tài chính có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, kết nối Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó, có những giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ, ngân hàng. Đây là nội dung toạ đàm "Kinh nghiệm quốc tế, và vai trò của hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính", do Thời báo ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước mới tổ chức.
Hệ thống tài chính trong trung tâm tài chính không chỉ bao gồm các ngân hàng thương mại, mà còn có công ty tài chính, cho thuê tài chính, các quỹ đầu tư… Thông thường, các ngân hàng được xem là trung gian, kết nối nguồn vốn giữa người gửi tiền và người vay vốn, thực hiện các dịch vụ thanh toán.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là với trung tâm tài chính, các ngân hàng sẽ mở rộng đa dạng hơn các vai trò như ngân hàng đầu tư, thực hiện các nghiệp vụ mua bán sáp nhập, quản lý tài sản, luân chuyển dòng vốn trong nước, quốc tế….
Các ngân hàng trong nước cũng đối mặt với áp lực cạnh tranh đa tầng từ quốc tế. Do đó, cần có những chính sách tạo nền tảng pháp lý cho các hoạt động tài chính, bao gồm cả các sanbox (không gian pháp lý thử nghiệm, cho các dịch vụ tài chính, công nghệ mới".
Ông Richard D.Mcclellan - Nguyên Giám đốc Quốc gia, Viện Tony Blair tại Việt Nam cho biết: "Khi hoạt động trong trung tâm tài chính thì ngân hàng có các giao dịch phức tạp hơn, các giao dịch xuyên biên giới, với các chuẩn mực cao hơn. Điểm then chốt là môi trường pháp lý minh bạch. Các nhà đầu tư quốc tế mong muốn vận hành trong môi trường quốc tế; cần đảm bảo tính lưu động về vốn để họ có thể đưa vốn vào và đưa vốn ra. Để làm được điều đó thì chúng ta cần có các cải cách về ngoại hối, về chuẩn mực báo cáo tài chính thuế".
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: TTXVN
Để xây dựng được trung tâm tài chính phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các chuyên gia khuyến nghị cần xác định rõ các ưu tiên phát triển. Qua đó, có định hướng chính sách trong dài hạn, đưa ra cách thức quản lý, điều hành phù hợp.
"Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần có mục tiêu rõ ràng. Ví dụ như Hàn Quốc, khi phát triển trung tâm tài chính, còn có mục tiêu phát triển hạ tầng, đô thị, logistics... Dựa trên mục tiêu, khi đưa ra chính sách mới có bài toán tổng thể, vì chính sách ưu đãi cho tài chính, ngân hàng, thuế sẽ khác chính sách cho hạ tầng", ông Ryu Je Eun - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho hay.
Bản thân các ngân hàng cũng cần đầu tư nâng cấp công nghệ, tăng cường chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để cung cấp được các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại, đủ sức cạnh tranh trong trung tâm tài chính quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!