Hành trình bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu
Từ những mặt hàng thô sơ, 50 năm trước, nền kinh tế Việt Nam gần như khép kín, xuất khẩu chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu USD. Hôm nay, kim ngạch xuất khẩu đã vượt 730 tỷ USD, vươn lên top 20 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Dòng vốn FDI hơn 500 tỷ USD đăng ký đã đưa Việt Nam trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng vốn FDI lũy kế đến cuối năm ngoái đã vượt mốc 500 tỷ USD. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 730 tỷ USD - con số gấp 1.400 lần so với năm 1975, minh chứng cho sự bứt phá mạnh mẽ về năng lực sản xuất và kết nối thương mại toàn cầu. Năm 2024 đã chứng kiến mức kỷ lục về thu hút FDI, với tổng vốn thực hiện đạt 25,35 tỷ USD.
Từ giai đoạn đầu đổi mới chủ yếu thu hút FDI bằng ưu đãi về đất đai, nhân công giá rẻ, chính sách thông thoáng, thu hút FDI bằng mọi giá, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, chọn lọc những dòng vốn chất lượng cao, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ tiên tiến và đóng góp thực chất cho sự phát triển dài hạn của đất nước.
Ông Trần Đình Cường - Chủ tịch Ernst & Young Việt Nam cho biết: "Tính từ năm 2007 đến nay, trong rổ xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, chúng ta đã tăng thêm 44 sản phẩm xuất khẩu mới, đa phần là các sản phẩm có độ phức tạp tương đối cao. Như vậy, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi, tức là thu hút đầu tư về FDI của Việt Nam đã thay đổi theo xu hướng tích cực hơn, tăng về chất, tăng về độ phức tạp. Về cơ cấu ngành, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực về chế biến và chế tạo là tỷ trọng lớn nhất. Số này chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng GDP".
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành chỉ thị đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính và tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư. Mục tiêu là thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường và phù hợp định hướng phát triển xanh, kinh tế số. Đây là động lực cho nhiều doanh nghiệp FDI đến với Việt Nam.
Ông Ko Tae Yeon - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ: "Với chúng tôi, thuế chỉ là một phần khi cân nhắc quyết định đầu tư tại Việt Nam. Những yếu tố quan trọng hơn là hành lang chính sách thông thoáng, nguồn lao động với giá cả hợp lý, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện. Chính vì vâỵ, chúng tôi vẫn có niềm tin và lựa chọn đồng hành cùng Việt Nam".
Không dừng lại ở vai trò là trung tâm sản xuất gia công, Việt Nam đang từng bước trở thành nơi xuất khẩu các sản phẩm phần mềm, công nghệ số và dịch vụ công nghệ cao. Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nửa thế kỷ nối liền động lực tăng trưởng là minh chứng cho bản lĩnh, tầm nhìn và khát vọng Việt Nam
Dấu ấn tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh qua 50 năm
TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế năng động nhất cả nước. Với GRDP 1,5 triệu tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt và thử nghiệm những mô hình tăng trưởng mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sau ngày thống nhất đất nước, kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã trải qua hai đợt tăng trưởng bứt tốc gắn liền với những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Đợt đầu tiên vào những năm thập niên 90, với năm tăng trưởng cao nhất 1995 với mức tăng GRDP 15,3%. Đợt thứ hai vào những năm của thập niên 2000, tăng trưởng GRDP cao nhất vào năm 2007 với mức 12,6%. Kết quả đã đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Từ năm 2012 đến nay tốc độ tăng trưởng có chậm lại. Năm 2024, GRDP của TP. Hồ Chí Minh đạt gần 1,8 triệu tỷ đồng, gấp hơn 27.000 lần so với năm 1986 là năm đầu Đổi Mới.
Cách đây ít ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện số 47 chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Đây không chỉ là một văn bản hành chính, mà là một bản lộ trình cho một khát vọng - đưa tăng trưởng GDP năm 2025 vượt mốc 8%.
Nửa thế kỷ nối liền động lực tăng trưởng là minh chứng cho bản lĩnh, tầm nhìn và khát vọng Việt Nam. Từ những công trường khói bụi đầu những năm 80, đến những nhà máy thông minh hôm nay - Việt Nam đã đi một hành trình dài. 50 năm thống nhất là 50 năm chúng ta học cách gắn kết, tạo động lực tăng trưởng từ mỗi vùng đất, từ mỗi bàn tay. Và giờ đây, một dải kinh tế thịnh vượng đang tiếp tục vươn mình ra biển lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!