Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm và thị trường vốn thắt chặt, Việt Nam ghi nhận 2,3 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân cho đổi mới sáng tạo, giải ngân qua 141 thương vụ trong năm 2024. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vẫn được duy trì trong bối cảnh dòng vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân toàn cầu suy yếu. Đây là con số được đưa ra từ Diễn đàn đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 diễn ra vào sáng nay.
Hơn 200 nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, khu vực Vùng Vịnh hay Mỹ đã tham dự vào diễn đàn. Bao gồm các quỹ đầu tư lớn như: Partech Ventures, Golden Gate Ventures, Temasek, Vina Capital, Mekong Capital… Các khách mời đều đánh giá, trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đặc biệt là Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó đặt ra những yêu cầu cần thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, đặc biệt khuyến khích nguồn vốn đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, các diễn giả cũng chỉ ra rằng, thị trường vốn tư nhân toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, đã trải qua nhiều thay đổi trong suốt một thập kỷ vừa qua. Sau giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ, đạt đỉnh vào năm 2019, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn đà tăng trưởng này. Gần đây, thị trường đã bước vào giai đoạn điều chỉnh, đánh dấu bằng dòng vốn chậm lại cùng sự khắt khe hơn trong quyết định của các nhà đầu tư do những biến động tài chính, thương mại toàn cầu.
Để tiếp tục thu hút dòng vốn này, Việt Nam cần triển khai sâu hơn nữa các cải cách về thị trường vốn, khung pháp lý cho công nghệ chuỗi khối, tài sản mã hoá. Đồng thời, tăng cường đào tạo nhân lực có chất lượng cao, phục vụ cho phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!