Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây cho biết ông sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với tất cả các đối tác thương mại không trả đũa Hoa Kỳ.
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social chiều cùng ngày theo giờ địa phương, Tổng thống Trump viết: "Dựa trên thực tế là hơn 75 quốc gia đã liên hệ với các đại diện của Hoa Kỳ, bao gồm các bộ Thương mại, Tài chính và đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), để đàm phán giải pháp cho các vấn đề liên quan đến thương mại, rào cản thương mại, thuế quan, thao túng tiền tệ và thuế quan phi tiền tệ, và các quốc gia này đã không có bất kỳ hình thức trả đũa nào đối với Mỹ, tôi đã cho phép tạm dừng 90 ngày và giảm đáng kể thuế đối ứng xuống 10% trong giai đoạn này, với hiệu lực ngay lập tức".
Tuy nhiên, ông Trump cho biết thuế đối với Trung Quốc giờ đây sẽ tăng lên tổng cộng 125% và có hiệu lực ngay lập tức, sau khi Bắc Kinh đáp trả đợt tăng thuế mới của Washington.
Để có thêm góc nhìn phân tích về câu chuyện trên, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao.
* Theo ông, vì sao Mỹ đảo chiều chính sách thuế đối ứng?
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn: Theo tôi chính quyền Trump quyết định đảo chiều, hoãn quyết định áp thuế trong 90 ngày đối với 75 quốc gia vì các lý do sau: Họ nhằm phân rõ Trung Quốc hiện nay là nước bị áp thuế 125% vì phản ứng trả đũa và các quốc gia không trả đũa. Từ đó, tạo động lực khuyến khích đàm phán song phương.
Lý do thứ hai là mức thuế 10% tạm thời mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách liên bang, hỗ trợ cho mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ hiện liên tới 1.200 tỷ USD trong năm 2024 và giúp giảm thâm hụt ngân sách lên tới 2.000 tỷ USD trong năm 2024.
Lý do thứ ba, các nước và các doanh nghiệp hiện nay đã cam kết đầu tư vào Mỹ 5.000 tỷ USD. Sở dĩ họ cam kết nhiều như vậy do áp lực áp thuế của Tổng thống Mỹ. Việc thu hút đầu tư từ bên ngoài vào giúp thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo công ăn việc làm.
Lý do cuối cùng đó là qua sức ép thuế quan vừa qua, Mỹ thấy rằng nhiều quốc gia bày tỏ thiện chí mở cửa thị trường và tăng mua hàng hóa Mỹ. Với sức ép đó thôi sẽ giúp cho thúc đẩy sản xuất trong nước và mở cửa các thị trường bên ngoài cho hàng hóa Mỹ trên cơ sở các thảo thuận song phương Mỹ dự kiến đàm phán sắp tới.
* Vậy thưa ông, quyết định tạm hoãn áp thuế tác động đến các quốc gia trong quá trình đàm phán thuế quan như thế nào? Và các kỳ vọng với những thoả thuận với Việt Nam?
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn: Với quyết định này tạm thời chúng ta có một khoảng thời gian quyết định đàm phán với Mỹ về việc sẽ có mức thuế quan hợp lý đối với hai bên. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy chính quyền Mỹ tạm thời chia các quốc gia - họ nêu ra là 75 quốc gia được hưởng mức thuế tạm thời 10% - thành 5 nhóm.
Nhóm đầu tiên gồm các đối tác sẵn sàng đàm phán với Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhóm thứ hai các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tuyên bố có một số nhượng bộ như Đài Loan (Trung Quốc). Nhóm thứ 3 là các quốc gia áp thuế trả đũa Mỹ như Trung Quốc va Canada. Nhóm thứ 4 có thể có phản ứng trả đũa mạnh như EU và thực tế EU đã công bố mức đáp trả. Nhóm 5 là những nước không trả đũa Mỹ Mexico, Australia.
Cách tiếp cận này giúp Mỹ áp dụng được chiến lược phân hóa tối đa trong quá trình đàm phán sắp tới; đồng thời kiểm soát được các phản ứng từ các quốc gia để họ có chiến lược đàm phán thích hợp.
Tôi thấy 90 ngày tới vừa là dài vừa là không dài đối với bất kỳ đối với bất kỳ một thỏa thuận song phương nào. Thời gian này sẽ có 3 tác động: Thời gian 90 ngày là thời gian rất ngắn buộc các quốc gia phải khẩn trương đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để duy trì mức ưu đãi 10%, từ đó Mỹ sẽ tính theo các mức tiếp theo như thế nào.
Thứ hai chính sách này đạt kỳ vọng từ phía Mỹ muốn các quốc gia không chỉ giảm thuế mà còn có các bước tiếp theo dỡ bỏ các hàng rào phi quan thuế đối với hàng hóa Mỹ để giúp hàng hóa Mỹ tiếp cận các thị trường dễ dàng hơn.
Việc tam hoãn này không có nghĩa Mỹ sẽ áp dụng thuế 10% mà có thể quay trở lại mức cao. Với Việt Nam mức 46% vẫn là để ngỏ. Quyết định hoãn áp thuế sẽ tạo ra, không chỉ với Việt Nam mà các quốc gia khác tâm lý, sức ép đáng kể trong quá trình đàm phán và khiến các quốc gia này cân nhắc kỹ càng các chiến lược đàm phán thương mại sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!