Từ chiến lược đến thực thi: Đổi mới sáng tạo - 'ADN' mới của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Thuý Hằng-Nguyễn Hải-Thứ năm, ngày 17/04/2025 09:57 GMT+7

bangdatally.xyz - Hiện nay, đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang được nhắc đến như chìa khóa vạn năng.

Nhưng làm sao để nó không chỉ là lớp "áo khoác" thời thượng, mà thực sự trở thành "ADN" - yếu tố di truyền cốt lõi, chảy trong huyết mạch của từng doanh nghiệp, tạo nên sức sống và bản sắc cho Thương hiệu Quốc gia Việt Nam? 

"Cài đặt" ADN từ Chiến lược Quốc gia và Nhận thức Doanh nghiệp

Việc đưa ĐMST vào "ADN" của doanh nghiệp Việt phải bắt đầu từ định hướng chiến lược quốc gia rõ ràng và sự thay đổi căn bản trong tư duy lãnh đạo. Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) Việt Nam, do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương chủ trì, đã xác định ĐMST là một trong ba giá trị cốt lõi (Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong).

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục XTTM, khẳng định tại Diễn đàn Quốc tế Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2025: "Chúng tôi không chỉ khuyến khích ĐMST, mà còn định hướng để nó trở thành giá trị cốt lõi, một phần bản sắc của các doanh nghiệp THQG, từ đó lan tỏa ra cả nền kinh tế."

Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi nhận thức từ cấp lãnh đạo doanh nghiệp. Ông Lê Hồng Quang, Tổng Giám đốc MISA, một doanh nghiệp THQG tiên phong về công nghệ, chia sẻ về áp lực và động lực đổi mới: "Không thể không đổi mới sáng tạo được... Với công nghệ mới, người ta có thể nảy sinh ra một giải pháp mới và nó thay thế, nó phá hủy luôn cả giải pháp cũ... Cho nên là những áp lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ... đấy là cái áp lực về sao phải thay đổi." Từ "biết sợ" đó, theo ông Quang, doanh nghiệp cần hành động cụ thể: đặt mục tiêu cao, ứng dụng công nghệ mới (như Trí tuệ nhân tạo - AI, Điện toán đám mây - Cloud), đào tạo đội ngũ và ghi nhận, khen thưởng sự sáng tạo.

Biểu hiện của "ADN" Đổi mới Sáng tạo trong Thực tiễn Doanh nghiệp 

Khi ĐMST thực sự trở thành "ADN", nó sẽ biểu hiện một cách tự nhiên và xuyên suốt trong mọi hoạt động. 

Văn hóa doanh nghiệp: Tại Vinamilk, tinh thần "Care to Change" được nuôi dưỡng thông qua bộ giá trị cốt lõi "Chất người Vinamilk" (hay "ADN Vinamilk"). Ông Nguyễn Quang Trí (GĐ Marketing) giải thích: "Chúng tôi đã phát triển bộ giá trị năng lực cốt lõi, gọi nôm na là bộ 'chất' người Vinamilk,  như 'vì khách hàng', 'giữ người tài', 'tạo niềm tin', 'luôn cầu tiến', 'tự chủ quyết liệt', 'nghĩ rộng đào sâu', 'làm nhanh đánh gọn'... tuyên truyền rộng rãi thấm dần đến từng nhân viên, để lúc nào cũng mang tinh thần đó, sống và làm việc theo cái 'chất' của Vinamilk."

Quy trình vận hành: ĐMST không phải là dự án riêng lẻ mà thấm vào từng quy trình. Ông Trí cho biết: "ĐMST ở Vinamilk... là tinh thần xuyên suốt trong mọi bộ phận. Từ người nghiên cứu, kỹ sư nhà máy đến nhân viên bán hàng đều được khuyến khích nghĩ cách làm tốt hơn, sáng tạo hơn."Điều này thể hiện qua việc liên tục cải tiến sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, marketing, bán hàng, logistics...

Sản phẩm, dịch vụ: Các doanh nghiệp THQG khác cũng cho thấy "ADN" ĐMST qua sản phẩm cụ thể: MISA liên tục cập nhật nền tảng quản trị số; VinFast tiên phong xe điện thông minh; Duy Tân đổi mới với dịch vụ tái chế nhựa; FPT ghi dấu ấn với các giải pháp công nghệ "Make in Vietnam"; Viettel Post, Giao Hàng Tiết Kiệm tối ưu logistics bằng công nghệ...

Từ chiến lược đến thực thi: Đổi mới sáng tạo - ADN mới của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam - Ảnh 1.

Nuôi dưỡng và Phát triển "ADN" qua Hệ sinh thái và Liên kết 

"ADN" ĐMST cần một môi trường thuận lợi để phát triển mạnh mẽ. Đó là vai trò của hệ sinh thái ĐMST quốc gia, nơi cung cấp nguồn lực, tạo môi trường cạnh tranh và hợp tác, kết nối cung - cầu ĐMST.

Bài học từ Hàn Quốc cho thấy tầm quan trọng của sự liên kết chặt chẽ "ba nhà": Nhà nước – Viện/Trường – Doanh nghiệp. Ông Bok Dug Gyou (KOTRA Hà Nội) nhấn mạnh: "Sự liên kết chặt chẽ giữa ba nhà là yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh ĐMST của Hàn Quốc. Thiếu một trong ba, hệ sinh thái sẽ khó phát triển bền vững." Việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đưa chuyên gia vào giảng dạy, xây dựng các trung tâm kết nối tại trường đại học là những cách cụ thể để nuôi dưỡng hệ sinh thái này.

Tại Việt Nam, việc xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST, đặc biệt là tăng cường kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức hỗ trợ của chính phủ, là yếu tố then chốt để nuôi dưỡng và nhân rộng "ADN" ĐMST trong cộng đồng doanh nghiệp.

Diễn đàn Quốc tế Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2025 diễn ra sáng 16/04/2025 tại Hà Nội, do Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ THQG Việt Nam, với chủ đề "Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo".

Hành trình đưa Đổi mới sáng tạo trở thành "ADN" cốt lõi đòi hỏi sự thay đổi tư duy và hành động đồng bộ ở mọi cấp độ. Các chuyên gia cho rằng, khi các doanh nghiệp Việt Nam thực sự coi ĐMST là mạch sống, Thương hiệu Quốc gia sẽ sở hữu một mã gen mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá và bền vững trên trường quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước